Cần Thơ: Tìm giải pháp để chợ nổi được... nổi

(Dân trí) - Chợ nổi là “đặc sản”của Cần Thơ và của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên từ khi hình thành đến nay chợ nổi không được quan tâm chu đáo nên ngày càng mất đi sự hấp dẫn vốn có của nó.

Chợ nổi - Nét văn hóa của người miền Tây đang bị mai một!

Trong mỗi tour du lịch miền Tây, chợ nổi Cái Răng luôn là một điểm đến được ưu tiên lựa chọn hàng đầu của du khách. Hòa mình vào nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước mang lại những trải nghiệm mới cho cuộc sống của mỗi người khi đến đây.

Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ, nằm trên sông Cái Răng, cách thành phố Cần Thơ khoảng 6km, du khách có thể đi thuyền từ bến Ninh Kiều vào đến chợ chưa đầy 30 phút. Ngày thường, chợ họp từ 3h đến 8h, đến cận Tết chợ họp gần như suốt ngày.

img-5299-1442447133936

Những cây bẹo hàng và cảnh buôn bán đơn điệu trên chợ nổi Cái Răng

Lần đầu đến đây, ai cũng ấn tượng với cách tiếp thị độc đáo “treo gì bán nấy” của người dân, tức là treo những thứ cần bán lên một cái sào gọi là “cây bẹo” để du khách có thể nhìn thấy từ xa. Tuy nhiên gần đây những cảnh tượng đã trở nên nhạt dần khi cuộc sống bon chen trên cạn đã lấn át ra sông

Những tiếng cười, tiếng nói, tiếng mái chèo khua cùng cảm giác bồng bềnh nơi sông nước đã không còn ghi dấu ấn trong lòng du khách khi đến đây bởi chưa có những hỗ trợ về các lĩnh vực điện, nước, nhà vệ sinh công cộng cho khách và thương hồ rất hiếm. Hiện ở chợ nổi này không có đội thu gom rác nên người dân vẫn vô tư thải rác xuống sông ngay trước mặt du khách.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, một du khách từ Hà Nội vào Cần Thơ công tác cho biết: Chiều hôm trước vừa đặt chân đến Cần Thơ là mấy anh em đi cùng đoàn vội vàng bàn với nhau sáng sớm hôm sau dậy đi chợ nổi rồi về làm việc. Trước khi đi ai cũng hồ hởi nhưng đến chợ rồi mọi người đều có chung cảm nhận: sản phẩm nghèo nàn, môi trường mất vệ sinh, giá cả đắt đỏ.

Tìm cho đỏ mắt mới thấy một nhà vệ sinh trên chợ. Cảnh đi vệ sinh trên sông diễn ra hàng ngày và ngay trước mặt du khách
Tìm cho "đỏ mắt" mới thấy một nhà vệ sinh trên chợ. Cảnh đi vệ sinh trên sông diễn ra hàng ngày và ngay trước mặt du khách

“Đây là lần thứ 2 tôi đi chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. Lần trước đi tấp nập hơn nhiều, trái cây rẻ mà lại ngon, không có ghe, thuyền chèo kéo khách, còn lần này thì khác hẳn. Bạn tôi còn nói xem chợ nổi qua báo hấp dẫn bao nhiêu thì bây giờ đến thực tế lại nhàm chán bấy nhiêu”, chị Hà nói.

Anh Nguyễn Văn Sơn – một người làm trong ngành du lịch ở Cần Thơ nhận xét: Các hoạt động du lịch chợ nổi ĐBSCL thời gian qua mới chỉ dừng lại ở việc đưa du khách tham quan hoạt động mua bán, cho du khách tiếp xúc và thưởng thức một số loại trái cây do chính tiểu thương phục vụ… chứ hoạt động trên chợ nổi chưa giữ được chân du khách ở lại lâu hơn, vì những hoạt động này quá ngắn, quá đơn điệu.

Mặt khác, do chợ nổi được hình thành một cách tự phát, ngẫu nhiên nên cho đến thời điểm hiện tại chợ nổi vẫn chưa thể nổi, vì không có ban quản lý chợ để làm công tác bố trí, sắp xếp nơi neo đậu một ghe xuồng một cách hợp lý. Nhiều khi chính những hoạt động buôn bán trên sông này lại cản trở giao thông của thuyền bè qua lại.

“Nghe ca ngợi thì nhiều, nhưng thực tế khi đến đây rồi chúng tôi thấy nó không có gì hấp dẫn. Chợ nổi không có gì làm chúng tôi nhớ, ngoài việc phải thức dậy đi chợ từ tờ mờ sáng, lúc sương đêm vẫn còn rơi ướt hết tóc. Nếu chính quyền địa phương không có những giải pháp tối ưu thì chợ nổi có ngày sẽ chìm!”, chị Huệ một du khách nhận xét.

Tìm cách bảo tồn và phát triển chợ nổi nột cách quy mô

Những con nước lớn tràn bờ, nước ròng phơi bãi, có ghe thuyền sinh hoạt, buôn bán ngày đêm trên sông. Những điều bình dị đó đã sản sinh ra một nét văn hoá đặc trưng miền sông nước miền Tây, đó là chợ nổi.

Trước đây khi đi du lịch chợ nổi, ngoài mua sắm củ quả, du khách có thể quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của nhiều gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe cũng là “căn hộ di động” trên sông nước có các loài vật nuôi, cây cảnh…Thời gian gần đây tình trạng này lộn xộn, nhiều hộ dân sống, buôn bán trên sông xả rác thải làm ô nhiễm và mất mỹ quan; một vài tiểu thương chưa ứng xử thân thiện với khách, nhiều mặt hàng bán ở chợ nổi chưa phù hợp về giá; vệ sinh an toàn thực phẩm còn bất cập…


Cảnh buôn bán, ngủ nghỉ trên chợ nổi Cái Răng

Cảnh buôn bán, ngủ nghỉ trên chợ nổi Cái Răng

Trước thực trạng trên, ngày 16/9, thành phố Cần Thơ tổ chức họp bàn về việc bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng. Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ: Chợ nổi Cái Răng được hình thành và phát triển khoảng 100 năm nay, quy mô hoạt động tương đối lớn, thời gian qua có từ 300 đến 500 phương tiện (ghe, tàu, xuồng…) mua bán, trao đổi các loại hàng hóa, dịch vụ trên sông như trái cây, rau củ quả, hoa cảnh, hàng thủ công, gia dụng và các mặt hàng thực phẩm khác…đáp ứng nhu cầu của du khách…

Bình quân mỗi ngày chợ nổi Cái Răng thu hút khoảng 500 đến 700 khách trong và ngoài nước đến tham quan. Bên cạnh đó chợ nổi cũng tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người dân nơi đây. Một số ý kiến cho rằng chợ nổi hình thành cả trăm năm nay nhưng chưa có văn bản giấy tờ công nhận là chợ nổi, chưa có ban quản lý chợ.

Ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Chợ nổi Cái Răng là thương hiệu của Cần Thơ, gắn liền với các điểm du lịch mà du khách đến với Cần Thơ. Thời gian qua có nhiều cuộc bàn về hoạt động của chợ nổi, nhưng bàn xong rồi để đó.

Cũng theo ông Tâm: Bảo tồn và phát triển chợ nổi phải có lộ trình, trước tiên phải thành lập Ban quản lý chợ nổi. Tạo mọi điều kiện để các tiểu thương, thương hồ buôn bán trên chợ nổi; không thu bất cứ khoản phí nào đối với thương hồ. Sở VHTT&DL sớm làm tờ rơi tuyên truyền về vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, văn hóa văn minh ứng xử… Các ngành phối hợp với các công ty du lịch phát triển thêm các tour, tuyến đặc biệt hình thành thêm nhiều hoạt động đa dạng phục vụ trong chợ nổi mang đặc thù vùng sông nước để thu hút khách du lịch…

Hoàng Tùng

 

Cần Thơ: Tìm giải pháp để chợ nổi được... nổi - 4