Cận cảnh tuyến đường sắt từng khiến 300.000 người bỏ mạng khi xây dựng
(Dân trí) - Làm việc dưới thời tiết xuống -50 độ C cùng điều kiện lao động nghèo nàn khó khăn khiến khoảng 300.000 người từng bỏ mạng khi xây dựng tuyến đường sắt này. Đến nay tuyến đường vẫn chưa hoàn thành và bị bỏ hoang.
Ngày nay, dự án về tuyến đường sắt Salekhard-Igarka vẫn được coi là nỗi buồn của nước Nga.
Hình ảnh về tuyến đường sắt Salekhard-Igarka bị bỏ hoang được nhiếp ảnh gia Amos Chapple người New Zealand trong hành trình khám phá những vùng đất lạ ghi lại. Tại đây, anh có dịp tận mắt chứng kiến khung cảnh tiêu điều của tuyến đường vẫn chưa được hoàn thiện, đến nay để lại trong tình trạng hoang vắng.
Được biết, tuyến đường sắt Salekhard-Igarka từng được khởi công xây dựng vào năm 1947. Đây là một phần nằm trong dự án kết nối giữa nước Nga với các khu vực hẻo lánh gần Bắc Cực.
Nguồn nhân lực xây dựng tuyến đường là hàng trăm nghìn tù nhân tại các trại cải tạo của Nga được điều động tới đây. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt của vùng đất gần Bắc Cực, nơi nhiệt độ thậm chí xuống tới -50 độ C, kèm theo điều kiện làm việc khó khăn thiếu thốn khiến khoảng 300.000 người phải bỏ mạng. Đến năm 1953, dự án này đã dừng hoạt động. Nhà lãnh đạo Liên Xô cũ Joseph Stalin qua đời được cho là một trong những nguyên nhân dự án bị dừng lại.
Chuyến du lịch mạo hiểm đến đây không hề đơn giản. Nơi này ngày nay gần như không có bóng người lai vãng, ngoại trừ giới đam mê thám hiểm khám phá vùng đất lạ, hay các nhiếp ảnh gia. Vượt qua nhiều địa hình hiểm trở, nhiếp ảnh gia người New Zealand đã thực hiện bộ hình về tuyến đường sắt gần như bị rơi vào quên lãng.
Theo Amos Chapple, đây là một trong những dự án nhiếp ảnh "mãnh liệt" nhất anh từng thực hiện. Trước khi đến đây, anh dành nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử để có thể tới các "địa điểm đổ nát".
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, thời gian gần như chôn vùi những gì còn sót lại của tuyến đường sắt mới hoàn thành hơn 64km.
Hoàng Hà
Theo DM/TS