Cận cảnh “quái vật” ăn thịt lớn nhất hành tinh
Cá nhà táng (Physeter macrocephalus), là một loài động vật có vú sống trong môi trường nước ở biển. Với những chiếc răng dài 17cm và trọng lượng hơn 45 tấn, cá nhà táng được coi là động vật ăn thịt lớn nhất thế giới.
Một con cá nhà táng đực trưởng thành có thể dài tới 20,5 mét (67 ft). Nó là loài động vật có răng lớn nhất trên thế giới. Đối với những con đực, đầu có thể dài đến bằng 1/3 tổng chiều dài thân mình - nói đến đầu thì cá nhà táng là loài động vật có bộ não lớn nhất trên thế giới.
Nó phân bổ toàn thế giới trên khắp các đại dương. Cá nhà táng chủ yếu ăn mực - thậm chí các loài mực khổng lồ và mực Nam Cực khổng lồ cũng là nạn nhân của nó - nhưng đôi khi chúng cũng đánh chén các loài cá và có thể lặn sâu tới 3km khiến nó trở thành loài động vật có vú lặn sâu nhất thế giới.
Cá nhà táng có hình dạng cơ thể đặc biệt và khó lẫn với các loài khác. Cụ thể, đầu của chúng rất lớn và có dạng khối, có thể chiếm từ 1/4 đến 1/3 chiều dài cơ thể. Lỗ thở hình chữ S nằm rất gần phía trước đầu và hơi chệch về phía bên trái cơ thể. Cấu trúc này khiến cá nhà táng có một thân hình rất bệ vệ, nhất là ở phía trước.
Cá nhà táng không có vây lưng mà thay vào đó là một số lằn gợn nhỏ mọc trên lưng, trong đó gờ to nhất được dân săn cá voi gọi là "bướu" và thường dễ lầm lẫn với vây lưng của một loài cá hay cá voi nhỏ hơn.
Hàm dưới của cá nhà táng rất hẹp và được đỡ từ bên trên. Con vật có từ 18 - 26 răng ở mỗi bên của hàm dưới và những răng này khớp vào các lỗ ở hàm trên vốn không có răng.
Cá nhà táng, cùng với cá voi mũi chai và voi biển là những loài thú có khả năng lặn sâu nhất thế giới. Cá nhà táng được tin là có thể lặn sâu tới 3 km (1,9 mi) và nín thở dưới nước tới 90 phút. Tuy nhiên thông thường con vật chỉ lặn sâu chừng 400 mét (1.300 ft) và nín hơi trong vòng 35 phút.
Não của cá nhà táng là bộ não lớn nhất trong số tất cả các động vật còn tồn tại hay đã tuyệt chủng từng được biết, nặng tới 8 kilôgam (18 lb), tuy nhiên chỉ số hình thành não bộ của con vật không phải hạng cao, nhìn chung là thấp hơn so với cá heo và nhiều loài cá voi khác.
Đuôi của cá nhà táng có hình tam giác và rất dày. Khi cá chuẩn bị lặn sâu để tìm kiếm thức ăn, chúng vung đuôi lên cao khỏi mặt nước.
Cứ cách ba đến sáu năm thì cá nhà táng sinh con một lần và thời gian chăm con có thể kéo dài đến hơn 10 năm.
Cá nhà táng cái thường đi thành từng đàn chừng 12 con trường thành cộng với con cái của chúng. Cá đực trưởng thành rời đàn khi chúng được từ 4 tới 21 tuổi.
Trước đây, cá nhà táng được gọi là "cá răng" (cachalot, từ tiếng Pháp có nghĩa là "răng"). Trong suốt từ đầu thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 20, cá nhà táng thường xuyên bị săn bắt để lấy các sản phẩm như dầu cá - dùng để làm nến, xà phòng, mỹ phẩm, dầu máy,...
Do kích thước lớn, đôi khi cá nhà táng có thể chống trả lại những kẻ săn bắt nó, điển hình như vào năm 1820 một con cá nhà táng đã tấn công và đánh chìm chiếc tàu săn cá voi mang tên Essex.
Theo Lao động