Cách tạo phô mai có hàng nghìn con giòi sống lúc nhúc bên trong
(Dân trí) - Một trong những loại phô mai được xếp hàng “kinh dị” nhất thế giới có thể chứa tới hàng nghìn con giòi sống lúc nhúc bên trong.
Món phô mai giòi sống trứ danh casu marzu được xếp hạng “nguy hiểm và kinh dị nhất thế giới” khi chứa tới hàng nghìn con giòi sống nở từ trứng ruồi, nhưng lại là đặc sản của đảo Sardinia, Italy.
Đây là một loại phô mai sữa cừu truyền thống trên đảo Sardinia, được người dân địa phương cực kỳ ưa chuộng, nhưng du khách lại “chùn chân” khi chứng kiến lần đầu.
Để giúp quá trình lên men diễn ra tốt hơn, người ta sẽ dùng một loại ruồi đẻ trứng vào phô mai. Sau đó, phô mai được cất vào chỗ tối và mát để trứng nở. Khi trứng ruồi nở thành giòi, những sinh vật nhỏ này sẽ ăn chất béo trong phô mai, giúp món ăn mềm mịn, có kết cấu và hương vị rất đặc trưng. Ấu trùng của loài ruồi này có màu trắng, mềm, dài chừng 8mm. Một bánh phô mai “đã chín” chứa khoảng vài nghìn con giòi sống.
Nét khác biệt của phô mai casu marzu là những con giòi sống. Miễn đám giòi còn sống, phô mai còn giữ được hương vị tươi mới. Cũng nhờ giòi khiến kết cấu của phô mai rất mềm, thậm chí lỏng, có vị rất cay khiến người ăn phải ứa nước mắt. Thời gian lên men đủ lâu, người ta sẽ cắt phô mai thành những miếng nhỏ, ăn kèm cùng rượu vang đỏ Italy và bánh mỳ dẹt. Chúng còn thoảng mùi tiêu đen và gia vị khác lạ.
Nếu muốn ăn thử loại phô mai có giòi sống, thực khách nên che tay khi đưa vào miệng bởi những con giòi có thể nhảy bật cao vào mặt. Người dân địa phương cũng khuyến cáo nên nhai thật kỹ đám giòi trong miệng trước khi nuốt, tránh trường hợp xấu xảy ra. Nếu không đủ can đảm, bạn cũng có thể để miếng phô mai vào túi bịt kín chờ đám giòi chết hết rồi mới thưởng thức.
Đây là món ăn được người dân trên đảo rất coi trọng. Họ thường thưởng thức vào những ngày lễ lớn như đám cưới, sinh nhật. Luật an toàn thực phẩm của EU đã cấm nên các gia đình chỉ làm để ăn chứ không sản xuất theo quy mô lớn. Dù những trường hợp người bệnh bị nhiễm giòi sau khi ăn phô mai casu marzu là khá hiếm, nhưng món đặc sản này đang bị cấm bán để ngăn chặn rủi ro.
Món đặc sản được coi là “kinh dị này” đã trở thành một phần trong văn hóa ẩm thực của người Sardinia suốt hàng trăm năm qua. Dù người dân địa phương đã đề nghị công nhận món ăn trở thành ẩm thực truyền thống để thoát khỏi việc cấm bán, nhưng không thành công.
Hoàng Hà
Theo Greatbigstory/ Creativecultureint