Bộ Y tế gửi đề xuất khẩn xin rút ngắn thời gian cách ly cho người nhập cảnh

Hà Trang

(Dân trí) - Bộ Y tế đề xuất giảm thời gian cách ly y tế nhưng tăng cường khuyến cáo thực hiện biện pháp 5K để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Ngày 15/3, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, về dự thảo Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh, theo tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh".

Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất giảm thời gian cách ly y tế nhưng tăng cường khuyến cáo thực hiện biện pháp 5K để hạn chế nguy cơ lây nhiễm do rút ngắn thời gian cách ly y tế.

Đối với người nhập cảnh, cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RTPCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 24 giờ (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh về Việt Nam.

Trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh), người nhập cảnh thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi). Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính thì được rời khỏi nơi lưu trú nhưng phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K và các biện pháp phòng chống dịch khác của địa phương. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời theo quy định.

Bộ Y tế gửi đề xuất khẩn xin rút ngắn thời gian cách ly cho người nhập cảnh - 1

Thay vì phải ở lại nơi cư trú như trước, người nhập cảnh nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, có thể rời nơi cư trú tham gia các hoạt động du lịch và hoạt động khác. (Ảnh: Hữu Khoa).

Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 đều được tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

Với những trường hợp F1 đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì thực hiện theo dõi trong thời gian 10 ngày, nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K, thực hiện việc xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5. 

Đề xuất này được xem là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách vào Việt Nam. Thay vì phải ở lại nơi cư trú như trước, người nhập cảnh nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, có thể rời nơi cư trú tham gia các hoạt động du lịch và hoạt động khác.

Trước đó, Bộ Y tế không chấp nhận kết quả test nhanh với khách quốc tế, yêu cầu khách du lịch từ 12 tuổi trở lên, khi nhập cảnh Việt Nam bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 72 giờ trước khi nhập cảnh, kèm chứng nhận tiêm đủ liều vaccine Covid-19 ít nhất là 14 ngày và không quá 6 tháng, hoặc có giấy chứng nhận đã khỏi bệnh.

Quy định cũng yêu cầu du khách ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Trường hợp muốn di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày; trường hợp khách ở lại nơi lưu trú 72 giờ thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 kể từ khi nhập cảnh (kết quả từ phương pháp test nhanh được công nhận). 

Quy định này được đánh giá là siết chặt hơn với khách quốc tế, làm khó doanh nghiệp.

"Tại sao lại làm chặt chẽ cho người nước ngoài mà người Việt Nam nhập cảnh thì đã mở ra rất nhiều? Chúng ta đã mở cửa du lịch, chào đón du khách thì không nên tạo ra các rào cản để họ cảm thấy không thoải mái. Việc cách ly không chỉ gây phiền hà cho khách mà còn khiến các đoàn khách cảm thấy họ bị phân biệt, đối xử", ông Nguyễn Công Hoan - Tổng giám đốc Flamingo Redtours nêu quan điểm với Dân trí.

Ông Bùi Quốc Đại, Trưởng phòng Điều hành Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam - đơn vị chuyên thị trường khách Nga cũng cho rằng, với các đoàn khách Nga thường có thời gian lưu trú dài ngày từ 7-15 ngày, đa phần là 10 ngày, nếu áp dụng quy định của Bộ Y tế góp ý thì khách không ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, với các thị trường khác nhất là ở các quốc gia Đông Nam Á hay Châu Á, họ thường chỉ đi du lịch thời gian ngắn.

Nếu yêu cầu phải xét nghiệm Covid-19 hàng ngày và cách ly 72 giờ thì bất hợp lý. Trong khi thị trường khách này rất lớn, quan trọng.

"Nếu chúng ta không có chính sách mở cửa phù hợp, chúng ta sẽ đánh mất thị trường khách này vào một số quốc gia khác như Thái Lan chẳng hạn. Tôi nghĩ đây là điều đáng tiếc", ông Đại nêu quan điểm.