Bộ tộc... săn đầu người để thể hiện sức mạnh
(Dân trí) - Tập tục săn đầu người tuy không còn nữa, nhưng những người thuộc bộ lạc Naga vẫn tự hào với hình săm trên mặt và ngực, thể hiện sức mạnh và quyền uy.
Những người thuộc bộ lạc Naga nằm ở khu vực biên giới giữa Myanmar và Ấn Độ tự hào với hình săm trên mặt và ngực – dấu hiệu thể hiện sức mạnh và quyền uy. Tuy tập tục săn đầu người đã kết thúc từ hàng chục năm trước, nhưng các “chiến binh” xưa vẫn giữ nguyên được sự tự hào.
Nhiếp ảnh gia người Anh Pete Oxford có dịp tới thăm Nagasand để ghi lại cuộc sống của những chiến binh từng tham dự việc “săn đầu người”. Trong nhà của những người đàn ông đó có căn phòng chứa đầy sọ người được trưng bày như “cúp chiến thắng”. Thậm chí, ngôi nhà còn được trang trí bằng sừng trâu thể hiện sự giàu có của khổ chủ.
“Tôi tìm kiếm những chiến binh từng săn đầu người trước kia. Họ mang về bộ lạc một hay nhiều cái đầu của địch lấy từ trong trận chiến. Những chiến binh này không phải là kẻ ăn thịt người. Tuy nhiên, khi mang về thủ cấp của địch, họ sẽ trưng bày chiếc sọ người như huy hiệu chiến thắng. Sau đó, họ được thưởng bằng cách săm lên mặt và ngực”, nhiếp ảnh gia nói.
Dù từng có lời đồn thồi về tiếng tăm đáng sợ của các chiến binh săn đầu người, nhiếp ảnh gia người Anh khi trực tiếp tiếp xúc thấy ngạc nhiên về thái độ thân thiện. Anh được đón tiếp chu đáo trong căn nhà, chụp ảnh thoải mái và ngồi trò chuyện. “Cả 3 người đàn ông đều có hình săm trên người. Tôi nhìn sâu vào đó vì đây là dấu vết của những cuộc chém giết trước kia”, anh nói.
“Tất cả đều rất thân thiện và thậm chí không ai làm tôi có cảm giác sắp bị họ chặt đầu”, Pete hài hước nói. Nhiếp ảnh gia người Anh còn lưu ý thêm, bộ tộc Naga vẫn còn lưu giữ nhiều truyền thống riêng của mình và bỏ qua lễ hội ánh sáng Diwali quan trọng của người Ấn Độ.
“Mọi người vui vẻ chào đón và thậm chí cho phép tôi tới gần để ghi cận cảnh các vết săm. Một thanh niên tiếp cận chúng tôi và ngỏ ý anh ta sẽ mặc trang phục truyền thống để chụp hình”, Pete cho biết.
Nhiếp ảnh gia người Anh Pete Oxford có dịp tới nhiều nơi trên khắp thế giới để chụp ảnh các bộ lạc, như người Huaorani – thợ săn khỉ và giết linh trưởng trong rừng nhiệt đới ở Ecuador, bộ lạc Apa Tina của Ấn Độ - người thường tự làm xấu mình để không bị các bộ tộc đối thủ bắt cóc, bộ lạc Baka ở châu Phi.
Huy Hoàng
Theo MT, TS