Biệt phủ lộng lẫy như cung điện ở miền Tây, mất 14 năm mới xây xong

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Có hơn 2.000 mẫu ruộng, cụ Khiêm đã không tiếc tiền thuê 50 thợ giỏi từ miền Trung vào xây dựng dinh cơ trong 14 năm ròng, ngôi nhà nguy nga không kém gì cung vua, phủ chúa.

Huỳnh Phủ (tọa lạc ở xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) được biết đến là ngôi nhà cổ nhất trong tỉnh, là dinh thự độc đáo có một không hai ở miền Tây.

Ngôi nhà rộng gần 500m2, có 80 cột lớn trong đó 48 cột được tạo tác từ những thân gỗ lim nguyên khối. Nội thất trong nhà được chạm trổ tinh xảo, sơn son thiếp vàng theo lối kiến trúc cung đình.

Biệt phủ lộng lẫy như cung điện ở miền Tây, mất 14 năm mới xây xong (Thực hiện: Nguyễn Cường).

Bà Lê Thị Hai (62 tuổi) hiện là người đại diện gia chủ trông coi công trình cho biết, ngôi nhà được cụ Huỳnh Ngọc Khiêm (1843 - 1927) xây dựng trong 14 năm ròng.

Trước đây đại gia đình bà Hai sinh hoạt trong ngôi nhà cổ. Tuy nhiên vì ngày càng đông khách đến tham quan nên những năm gần đây gia chủ đã chuyển ra bên ngoài, ngôi nhà được bảo tồn phục vụ du lịch.

Biệt phủ lộng lẫy như cung điện ở miền Tây, mất 14 năm mới xây xong - 1

Ngoại thất Huỳnh Phủ có lối kiến trúc đình làng miền Nam (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Cụ Khiêm là dân gốc Huế, cả gia đình đi ghe theo bờ biển vô Bến Tre lập nghiệp. Nhờ chăm chỉ khai phá đất đai, chỉ sau khoảng 15 năm cụ đã tậu được hơn 2.000 mẫu ruộng, trở thành người giàu có trong vùng. Ruộng đất của cụ Khiêm cũng chính là nơi an cư lạc nghiệp của dân làng.

Nhờ có công khai hoang lập ấp mà cụ Khiêm được quan trên cho làm chức Hương trong huyện. Sau khi tạo dựng được gia sản lớn, từ năm 1884 cụ Khiêm bắt đầu quay lại miền Trung tìm mua gỗ, đá đóng thành bè vận chuyển vào Nam.

Biệt phủ lộng lẫy như cung điện ở miền Tây, mất 14 năm mới xây xong - 2

Các vách gỗ trong nhà đều được chạm trổ công phu (Ảnh: Nguyễn Cường).

Đến năm 1890, khi đã đủ vật liệu, cụ Khiêm về Huế tuyển 50 thợ khéo đưa vào Bến Tre, bắt đầu khởi công xây nhà. Ngôi nhà đến năm 1904 mới xây dựng xong. Trong 14 năm đó, nhiều thợ thuyền đã kịp tậu cho mình một cơ ngơi, cưới vợ sinh con nên quyết định ở lại đất mới mà không về quê cũ", bà Hai cho biết.

Cũng theo bà Hai, lúc dựng nhà cho cụ Khiêm thợ chạm khắc không nhận lương ngày mà nhận tiền bằng lượng dăm bào. Sau mỗi ngày làm, lượng dăm rơi ra sẽ được gom lại, dùng chén để đong, mỗi chén dăm thợ được cụ Khiêm trả công bằng 3 giạ lúa.

Biệt phủ lộng lẫy như cung điện ở miền Tây, mất 14 năm mới xây xong - 3

Nội thất phòng thờ đều được sơn son thiếp vàng (Ảnh; Nguyễn Cường).

Huỳnh phủ là một quần thể gồm nhiều công trình trên một khu đất rộng gần 1ha. Ngoài cùng là cổng tam quan, tiếp đến là bình phong rồi mới đến ngôi nhà lớn. Bên ngoài ngôi nhà lớn là tường bao bằng gạch, mái lợp ngói âm dương.

Vào trong nhà, khách tham quan lập tức bị choáng ngợp bởi những nội thất được chạm trổ hoàn hảo và những đồ đạc xa xỉ. Nền nhà được lát gạch men hoa phong cách cổ xưa, những hàng cột gỗ to bằng một người ôm. Ngói cũng được vẽ hoa văn mây nước sinh động.

Biệt phủ lộng lẫy như cung điện ở miền Tây, mất 14 năm mới xây xong - 4

Bàn thờ được tạo tác theo phong cách hoàng cung (Ảnh: Nguyễn Cường).

Nổi bật nhất là những bức vách gỗ lim đen bóng được chạm trổ các phù điêu cua, tôm, chim, thú, cây cỏ hay được khảm xà cừ sáng loáng.

Ở phòng khách đặt một bộ bàn ghế cẩm thạch chạm khảm mà theo bà Hai là cụ Khiêm đã mua từ Pháp về. 

Ngôi nhà chia thành 7 gian, ở chính giữa là gian thờ, xung quanh có phòng khách, phòng ngủ. Phòng thờ được tạo tác theo phong cách hoàng tộc, bàn thờ, hoành phi, liễn đối đều được chạm trổ tỉ mỉ và sơn son thiếp vàng.

Biệt phủ lộng lẫy như cung điện ở miền Tây, mất 14 năm mới xây xong - 5

Bộ bàn ghế cổ từng được trả giá 40 lượng vàng nhưng gia chủ không bán (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ngoài ngôi nhà chính, quần thể còn có ngôi nhà đón khách được xây theo phong cách kiến trúc Pháp và các công trình khác.

Với những giá trị kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, Huỳnh Phủ và mộ cụ Khiêm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia từ năm 2011. Năm 2013, nhà nước đã chi tiền trùng tu lại ngôi nhà nhưng gia đình bà Hai vẫn được giao quản lý, sử dụng.

Biệt phủ lộng lẫy như cung điện ở miền Tây, mất 14 năm mới xây xong - 6

Gia đình bà Hai là hậu duệ cụ Khiêm hiện đang quản lý, sử dụng Huỳnh Phủ (Ảnh: Nguyễn Cường).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm