Bí mật kinh dị của tàu điện ngầm London
Năm 1863, London mở tuyến đường ray điện ngầm đầu tiên trên thế giới với thiết kế "cong mềm mại" như để tránh điều gì đó thay vì đi theo đường thẳng để tiết kiện thời gian.
2 thế kỷ trước, vào năm 1665, dịch hạch đã tràn qua thành phố này. Đó là đại dịch tệ nhất trong lịch sử với số người tử vong khoảng 100.000, gần 1/5 dân số. Nhiều tài liệu nghiên cứu đã khẳng định rằng có nhiều "hố dịch hạch" là mộ tập thể ở khắp lòng đất London. Cả trăm xác người được chôn vội vã không khâm liệm hay quan tài.
Không khó để thấy hai sự kiện này có liên quan tới nhau. Lúc quy hoạch, các kỹ sư đã cố gắng tránh những "hố dịch hạch", vì họ không muốn làm phiền người quá cố, hoặc vì xương người quá dày đặc. Trong cuốn sách "London and Its Dead", tác giả Catherine Arnold tiết lộ đường ray từ Knightbridge tới South Kensington uốn lượn vì số lượng xương người nhiều đến nỗi không thể đào qua.
Đối chiếu với bản đồ mộ tập thể tại London có thể thấy hệ thống tàu điện ngầm của thành phố đi qua rất nhiều hố chôn người và nghĩa trang. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành và các kỹ sư từng làm việc trong công trình lại phủ nhận điều này, dẫn chứng rằng không có tài liệu ghi chép nào đề cập tới việc chạm phải mộ tập thể.
Thực tế, còn một lý do khác khiến các đường ray này uốn lượn. Ban đầu, để phòng ngừa rủi ro sập lún, chính quyền yêu cầu các công ty thi công mua toàn bộ các bất động sản nằm phía trên hầm. Thời gian đầu họ đã mua hàng loạt nhà chỉ để phá đi, nhưng do chi phí quá lớn, nhà thầu quyết định thiết kế sao cho đường ray đi qua ít nhà cửa nhất có thể.
Ngoài ra, các kỹ sư đôi khi chẳng nể nang gì người chết. Năm 1862 khi thi công đoạn Brookwood, nhà thầu London Necropolis đã đào phải rất nhiều hài cốt, và họ quyết định...đặt nó vào các cổng mái vòm của nhà ga trong khi tìm cách giải quyết. Một số nhanh chóng được đưa vào quan tài và chuyển tới nghĩa địa Ilford. Thậm chí nghĩa trang "VIP" Westminster Abbey cũng bị quấy rầy bởi hoạt động xây dựng. Những hài cốt đó được cải táng tới nơi khác.
Nhà khảo cổ Jay Carver đang làm việc trong dự án tàu siêu tốc cho biết có hàng hà sa số nghĩa địa tập thể tại London, nhưng không được đánh dấu. Vì vậy nên việc đào phải hầm mộ có xảy ra, nhưng không phải lúc nào cũng là "hố dịch hạch" như nhiều người nghĩ, còn việc tránh các "hố dịch hạch" khi xây đường sắt thì có thật.
Nhờ việc di dời hài cốt từ lần đầu, mà các dự án về sau không còn gặp sự cố tương tự. Chiều sâu của hầm cũng thấp hơn nhiều so với các nghĩa trang nên đôi khi chỉ có vài hài cốt được phát hiện ở đường đào xuống.
Vậy những người chết giờ an nghỉ ra sao? Một số nằm dưới từng bia mộ xếp tăm tắp trong nghĩa trang một nhà thờ nào đó, số còn lại thì không. Tại thánh đường St Pancras, các tấm bia xếp từng lớp từng lớp dưới gốc một cây cổ thụ. 31 chiếc vòng trong, 16 chiếc vòng ngoài. Phía dưới, là đường ray tàu chạy thẳng tới châu Âu.
Theo Dân Việt