Bảo tàng Đắk Lắk - Nơi ghi dấu ấn sắc màu Tây Nguyên

Bảo tàng Đắk Lắk là một không gian thu nhỏ của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ với các loài động, thực vật; cây công nghiệp chủ lực của vùng và văn hóa của hơn 40 dân tộc cùng sinh sống tại Đắk Lắk.

Trong chuyến công tác chỉ có 3 ngày ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), tôi hỏi người bạn dẫn đường: ''Có cách nào khám phá văn hóa Tây Nguyên gói gọn trong một buổi sáng hay không?''. Cậu bạn gốc Bắc sống ở Buôn Mê Thuột nói rằng: ''Có chứ, đến Bảo tàng Đắk Lắk thôi''. Tôi chợt nhớ đến giảng viên Hà Huy Phượng - Phó khoa Báo chí Học viện Báo chí & Tuyên truyền đã có lần nói với chúng tôi khi còn là những cô cậu sinh viên báo chí: ''Đi thăm bảo tàng là cách làm nhanh nhất để sinh viên báo chí hiểu thêm về văn hóa vùng miền. Bản thân tôi mỗi năm đi lại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ thấy chán, mỗi lần lại có một cảm nhận mới''.

Vậy là những cựu sinh viên trường báo chúng tôi có một chuyến thăm Bảo tàng Đắk Lắk chỉ nửa buổi sáng nhưng kiến thức lượm lặt được thì vô cùng thú vị.

Bảo
tàng được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc 
Bảo tàng được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc 
nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê.

Bảo tàng Đắk Lắk là bảo tàng đầu tiên của Việt Nam sử dụng 4 ngôn ngữ trong trưng bày, gồm Việt, Pháp, Anh và tiếng dân tộc thiểu số Ê đê. Bảo tàng được thực hiện với sự hợp tác của Cộng hòa Pháp và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Bảo tàng được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê - dân tộc thiểu số chiếm số lượng đông nhất ở Đắk Lắk.

Công trình có chiều dài 130m, rộng gần 65m, tổng diện tích xây dựng trên 9.200m2, được khởi công từ tháng 2/2008; tổng vốn xây dựng gần 80 tỷ đồng.

Bảo tàng được bố trí thành 3 không gian trưng bày với 3 phần nội dung lớn, gồm đa dạng sinh học, văn hóa dân tộc và lịch sử.

Theo thống kê năm 2009, dân số tỉnh Đắk Lắk có 1.733.624 người, đông nhất là người Kinh, rồi đến người Êđê, Nùng, Tày, M'nông.

3 tộc người bản địa ở Đắk Lắk là Êđê, J'rai và M'nông có ngôn ngữ riêng. Tiếng Êđê và J'rai thuộc dòng ngôn ngữ Nam Đảo, tiếng M'nông thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer. Đây là những cư dân có truyền thống truyền miệng, chữ viết mới hình thành trong thế kỷ 20, theo tự dạng Latinh.

Những
hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk.
Những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk.

Cùng với nông nghiệp nương rẫy, các dân tộc bản địa tỉnh Đắk Lắk bảo lưu những truyền thống đặc sắc thể hiện trong âm nhạc cồng chiêng, sử thi, kiến trúc, điêu khắc gỗ và tục hiến sinh trâu, mặc dù ngày nay ít được tổ chức. Chế độ mẫu hệ bảo lưu ở cả 3 dân tộc. Cho đến những năm 80 của thế kỷ 20, nếp sống đại gia đình trong những ngôi nhà dài vẫn tồn tại khá phổ biến. Luật tục và các quan hệ cộng đồng đến nay vẫn quan trọng.

Bên cạnh đó, mỗi tộc người, mỗi vùng đất lại có một số sắc thái riêng. Người M'nông Rlăm và Êđê Bih làm ruộng nước. Người M'nông vùng Buôn Đôn nổi tiếng trong việc săn và thuẫn dưỡng voi. Người J'rai vùng Ea Hleo làm những ngôi nhà mồ hình tháp độc đáo.

B
Bảo tàng Đắk Lắk tái hiện văn hóa của hơn 
40 dân tộc sinh sống trong tỉnh.

Các hiện vật trưng bày trong bảo tàng đã phần nào tái hiện, cung cấp cho người xem toàn cảnh lịch sử phát triển, những giá trị văn hóa độc đáo của con người, thiên nhiên của vùng cao nguyên hoang dã từ thời kỳ đồ đá cho đến nay, qua đó phản ánh những đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên nắng gió.

Phương Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm