Bảo tàng cà phê giữa lòng Tây Nguyên
(Dân trí) - Tôi đến Buôn Mê đúng mùa thu hái cà phê, xen lẫn giữa những chùm trái chín lúc lỉu trên cành, những rẫy dài ngút tầm mắt, ngập tràn sắc đỏ là sắc trắng li ti của những đoá hoa cà phê bung nở trái mùa sau cơn mưa chiều.
Người bạn đồng hành của tôi nói rằng nếu cuồng chân, say mảnh đất bazan màu mỡ đầy nắng và gió này, đừng ngại ngần len vào giữa rẫy cà phê đỏ rực mà tận hưởng cho bằng thích, nhưng nhớ quay về thành phố thăm Bảo tàng Cà phê đầu tiên của Việt Nam, thế mới trọn vẹn hành trình khám phá.
Hành trình cà phê với những hiện vật cổ
Những bậc đá trên mặt nước dẫn lối tôi về ngôi nhà dài 40m, rộng 12m, mang đậm nét kiến trúc của người Ê đê. Đây chính là Bảo tàng Cà phê đầu tiên của Việt Nam toạ lạc trong khuôn viên rộng 20.000m2 của Làng Cà phê Trung Nguyên.
Không gian này cũng là nơi du khách khám phá về hành trình của cà phê thông qua bộ sưu tầm độc đáo với các vật dụng chế biến, bảo quản cà phê từ năm 1700 đến nay như máy xay, máy rang, máy phân loại, máy chiết suất…
Ở tầng trệt của nhà Bảo tàng, bên cạnh những chiếc máy pha chế cà phê hiện đại của nước ngoài là không gian quen thuộc của những chiếc gùi, dụng cụ thu hái cà phê của người Tây Nguyên, bộ sưu tập đồ pha chế cà phê của người châu Á, những chiếc phin lọc cà phê đầu tiên bằng sứ rồi đến phin nhôm, thiếc...
Cà phê du nhập vào Việt Nam từ năm 1857, do người Pháp gieo trồng đầu tiên ở Đồng bằng duyên hải miền Trung. Đến năm 1930, đất Tây Nguyên đón nhận 2 loại cà phê Arabica và Robusta. Với thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng, Đắk Lắk là nơi lý tưởng để trồng cà phê Robusta.
Một góc Bảo tàng không thể tái hiện trọn vẹn sự độc đáo, đa dạng về văn hóa và phong cách thưởng thức cà phê của tất cả các nước trên thế giới nhưng chắc chắn du khách sẽ có cơ hội hiểu thêm về hành trình để cà phê trở thành một nét văn hoá không thể thiếu của vùng đất bazan trù phú này.
Theo bậc thang gỗ lên tầng trên, khách tham quan sẽ thấy cà phê được phơi ngay ngoài hiên ngập tràn ánh nắng. Tầng 2 được ví như một Tây Nguyên thu nhỏ với dàn cồng chiêng đồ sộ, những ché rượu cần xếp liền nhau, những chiếc gùi được đặt trang trọng trên ghế k'pan - biểu tượng cho sự sung túc của những gia đình Ê đê giàu có.
Đi dạo trong khuôn viên Làng Cà phê, du khách còn được hoà mình vào không gian xanh của những cây cà phê chè, cà phê vối, được ngắm bản đồ Việt Nam ghép từ hàng ngàn hạt cà phê và không thể không thưởng thức một ly cà phê Buôn Mê.
Đến bảo tàng, nghe chuyện uống cà phê của người Ê đê
“Bà con Ê đê ở Buôn Ma Thuột coi cà phê là cây trồng chủ đạo, một thức uống không thể thiếu, đặc biệt trong các dịp ma chay, cưới hỏi. Với bà con, cà phê còn có ý nghĩa tâm linh là xua đuổi tà ma”, cô hướng dẫn viên người Ê đê ở Bảo tàng tên H’Thắng Kpơr say sưa kể cho tôi nghe về ý nghĩa của cà phê với dân tộc mình.
Giữa tháng 11, đồng bào Ê đê lên rẫy hái những trái cà phê chín mọng nhất, sau đó mang về cho vào chum, vại, ủ với một ít rượu trắng và muối. Cứ một lớp cà phê lại rắc ba nhúm muối.
Sau 3 ngày 3 đêm, hạt cà phê được đổ ra một cái mẹt thật to để phơi trên gác bếp trong vòng 24 giờ. Lúc bấy giờ vỏ cà phê teo dần, rượu và muối thẩm thấu, hạt cà phê nở ra lại tiếp tục đem ra phơi ngoài nắng. Nắng Tây Nguyên sẽ hong khô làm vỏ cà phê tróc ra, nghe được cả tiếng róc róc rất vui tai. Khi đó là lúc thích hợp để đem giã cho vỏ tróc hẳn. Cà phê được rang trên những chiếc chảo bằng đất nung. Rang đều, rang vừa, tránh để cháy cà phê. Những hạt cà phê quyện với rượu và muối, đượm màu cánh gián rất đẹp. Khi thưởng thức, người Ê đê dùng chày, cối giã cà phê thật mịn rồi cho 400gr cà phê vào trong một tấm vải thổ cẩm được cột ở hai đầu làm túi lọc. Nhúng túi lọc 3- 4 lần vào một ấm đất chứa 220ml sôi trực tiếp trên bếp lửa, cà phê sẽ thẩm thấu xuống ấm.
Người Ê đê không uống cà phê với đường hay sữa mà nêm một chút muối cho đậm đặc. Theo văn hoá truyền thống, người Ê đê theo chế độ mẫu hệ nên lời nói của người phụ nữ toát ra rất mạnh mẽ. Chính vì thế, người phụ nữ cũng tự do thưởng thức cà phê như người đàn ông.
Sẽ là khập khiếng nếu đem so sánh cách pha cà phê của người Ê đê với cách uống phổ biến pha bằng phin, nêm đường, nêm sữa cách nào ngon hơn. Bởi không có một thước đo chung cho một ly cà phê chuẩn mực, cà phê ngon hay dở phụ thuộc vào cảm nhận riêng của mỗi người. Cà phê là một thức uống có thể xuất hiện từ bàn tiệc hạng sang cho đến những quán cóc bình dân bên lề đường.
Giở cuốn sổ ghi cảm nhận được đặt ở Bảo tàng, trang mở đầu, tôi đọc được những dòng chữ: “Một nhà quân sự, nhà chính trị tài ba của nước Pháp và được cả thế giới ngưỡng mộ. Vị tướng Napoléon đi vào lịch sử bằng những trận đánh làm rung chuyển châu Âu trong gần hai thập kỷ và đảo ngược tình thế hoàn toàn bằng những cách dùng binh xuất sắc và nhận định sắc bén. Ông có thói quen uống cà phê hằng ngày, uống cà phê trong ngày và cà phê rất đậm đặc để duy trì sự tỉnh táo, sáng suốt và ông thừa nhận “Cà phê đậm đặc làm tôi bừng tỉnh, nó mang đến cho tôi sự ấm áp, sức mạnh phi thường, một sự phiền muộn mà không có nó cuộc đời sẽ vô vị…”. Không giống như các loại đồ uống khác, cà phê không chỉ là nước uống giải khát, ẩn chứa trong hạt cà phê nhỏ bé là sự kết nối và giao thoa văn hoá.
Nếu không có cà phê, Buôn Ma Thuột hẳn sẽ mất đi mùi vị đặc trưng vốn có. Không quá khi nói rằng cà phê là một ngôn ngữ riêng để những người đến và yêu Tây Nguyên giao tiếp với nhau.
Phương Nhung