Bạn có đủ can đảm đi trên cầu treo bện bằng cỏ duy nhất thế giới?
(Dân trí) - Bạn có đủ can đảm bước đi trên cây cầu treo tết từ cỏ, nằm chênh vênh trên vực sâu thẳm?
Từ những sợi cỏ mỏng manh, cộng đồng người Quechua ở Peru đã tết chúng lại để tạo thành cầu treo bằng cỏ có tên Q'eswachaka.
Đó là cây cầu từ thời Inca, bện từ cỏ tạo thành dây thừng theo cách truyền thống. Đây cũng là cây cầu cỏ cuối cùng tết bằng tay của người Peru. Cứ mỗi năm một lần vào tháng 6, cây cầu phải làm lại một lần.
Nằm cách Cuzco chừng 100km, cầu Q'eswachaka là một phần của hệ thống những cây cầu cỏ. Đến nay, đây là cầu treo bằng cỏ duy nhất còn sót lại trên thế giới.
Cầu Q'eswachaka dài chừng 36,6m, bắc ngang qua sông Apurimac ở độ cao 67m. Bề ngang của cầu chỉ đủ lớn cho một người đi qua. Hiện cây cầu vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cộng đồng nói tiếng Quechua, nhóm ngôn ngữ bản địa là Huinchiri, Ccollana, Chaupibanda và Choccayhua.
Dù chỉ làm bằng những sợi cỏ ichu dài, nhưng hàng trăm năm nay, cầu Q'eswachaka là mối liên hệ duy nhất của các làng giữa hai bờ sông Apurimac.
Vào thời kỳ của đế chế Inca, nhiều cây cầu treo khác tương tự như Q'eswachaka xuất hiện, nhưng rồi bị phá hủy hoặc biến mất sau khi hệ thống cầu đường trong thế kỷ 20 xuất hiện. Chỉ riêng cầu Q'eswachaka vẫn tồn tại tới ngày nay. Cách cầu treo bằng cỏ này không xa là một cây cầu mới hiện đại được xây mới, nhưng người dân trong vùng vẫn giữ thói quen đi qua nơi cũ.
Đặc biệt, một truyền thống từ xa xưa vẫn được lưu giữ. Đến tháng 6 hàng năm, người dân lại phá rồi làm lại cầu cỏ mới như một cách tưởng nhớ về tổ tiên. Sau khi cây cầu mới ra đời, người làng sẽ thực hiện nghi lễ trang nghiêm.
Vào ngày diễn ra nghi lễ làm cầu mới, khoảng 1000 người cả nam giới và phụ nữ từ nhiều cộng đồng tập trung xung quanh cầu Q'eswachaka. Tại đây, các thành viên sẽ dùng cỏ ichu dài, ngâm trong nước rồi xoắn thành dây thừng. Những sợi thừng được dệt với nhau thành cầu dài hơn 36m. Đó là cầu mới, thay thế cầu treo dệt từ năm trước.
Để làm được cầu treo bằng cỏ hoàn chỉnh đòi hỏi công sức của cả một tập thể. Sau đó, những thợ lành nghề sẽ dùng dây thừng để bắc qua sông, nối từ bờ nợ sang bờ kia. Thậm chí, công nghệ làm cầu của người Inca còn được so sánh với công nghệ cầu treo hiện đại ngày nay.
Nếu như trước kia, cứ 3 năm, người dân mới làm cầu mới thay thế một lần. Song vì lượng khách tới đây quá đông để chiêm ngưỡng cây cầu treo bằng cỏ duy nhất thế giới cùng nghi thức ý nghĩa, nên cộng đồng cư dân đã thống nhất tăng tần suất làm cầu mới định kỳ mỗi năm một lần.
Sau khi cầu mới hoàn thành, cộng đồng người Quechua sẽ tổ chức tiệc mừng với âm nhạc và lễ cầu nguyện. Năm 2013, UNESCO đã công nhận những kỹ năng, nghi thức tái tạo cầu Q'eswachaka mới từ thời đế chế Inca trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngày nay, cầu Q'eswachaka trở thành điểm thu hút khách du lịch ưa mạo hiểm tới Peru. Đây là nơi cho du khách trải nghiệm cảm giác thót tim đi trên cầu cỏ mỏng manh, bên dưới là vực sâu thăm thẳm, rùng mình không kém gì những thước phim hành động.
Huy Hoàng
Theo Great Big Story/ News