Ăn thịt dơi, uống rượu cần ở bản Konklor
(Dân trí) - Đến với bản Konklor (Kontum), được nếm rượu cần nhấm nháp với thịt dơi nướng thơm nức chắc chắn là trải nghiệm bạn sẽ không bao giờ quên…
Chúng tôi bước vào bản Konklor, Kontum qua cây cầu treo lắc lẻo nối liền hai bờ của dòng sông Đăk Bla, huyền thoại những dòng sông chảy ngược về Tây của đất Tây Nguyên, nơi có đồng bào người Bah Nar sinh sống.
Già Làng bản Konklor bảo rằng, ở vùng núi Trường Sơn có hàng chục loại dơi to (ađhôôr) hay dơi nhỏ (briêng) khác nhau. Thịt dơi chế biến nhiều món ăn hấp dẫn khác như cháo dơi, dơi hầm trong ống lồ ô, dơi rán… Nhưng món dơi nướng mộc là thơm ngon hơn cả.
Sau khi bắt được, người ta mang dơi về, chặt bỏ hai cánh và đầu. Bỏ hai cục trắng cứng dưới nách bởi theo họ nếu để nguyên thịt dơi sẽ rất hôi, không ăn nổi. Sau đó, họ lột bỏ da và ruột, ướp thịt dơi đã làm sạch với chút nước mắm ngon, mật ong, bột nêm, tiêu và mè… Sau đó để độ 30 phút cho gia vị ngấm vào thịt rồi trải thịt dơi lên vỉ, nướng cho vàng đều trên than hồng.
Dơi còn có loại sống trong ống lồ ô hay ống cây giang rất nhỏ. Dơi loại này có lông mịn như nhung, không cần lột da. Sau khi làm ruột sạch sẽ, ướp gia vị cho thấm ở trong và ngoài rồi dùng cánh dơi gói phần thịt lại, sau đó xiên vào que tre để nướng trên than hồng. Trong khi nướng, thoa thêm chút dầu ăn cho thịt dơi thơm và không bị khô.
Ở Kontum nói chung hay bản Konklor nói riêng, rượu cần là đồ uống quen thuộc đồng bào các dân tộc, nhưng mỗi nơi có hương vị khác nhau, tùy vào cách lên men, ủ rượu. 3 nguyên liệu chính để làm rượu gồm men gạo, cơm và trấu. Rượu có thể làm quanh năm, nhưng men để làm rượu không phải lúc nào cũng làm được..
Sau khi đã thu hoạch xong mùa màng (khoảng tháng 11, 12 dương lịch), người ta chọn ngày tốt và làm lễ cúng với một con gà, một ché rượu nhỏ để vào rừng tìm cây, củ làm men rượu. Các thứ cây, lá, củ dùng làm men đều phải được lấy trong buổi sáng sớm rồi bằng cách thức bí truyền người ta ủ thành men rượu.
Sau khi đã có men, người ta tiến hành làm rượu. Nguyên liệu chính và ngon nhất cũng vẫn là gạo nếp. Gạo tẻ hoặc bắp, củ mỳ… tùy theo khả năng kinh tế của từng gia đình.
Người ta ủ kín trong gùi chừng 4 ngày, khi đã dậy mùi mới đổ cơm rượu ấy vào ché. Đáy ché có lót một lớp trấu. Sau khi đổ đầy cơm rượu, cũng lại phủ lên một lớp trấu. Trấu này có tác dụng ngăn cho bã rượu không chạy vào trong cần khi hút.
Làm rượu xong, người ta lấy lá chuối bịt miệng ché lại để khỏi bay mất mùi thơm của rượu. Các ghè rượu sau khi đã buộc kín miệng được xếp một dãy dài theo thứ tự lớn nhỏ, để ở góc nhà phía Đông. Rượu gạo có thể để lâu. Nếu đem chôn xuống đất, càng lâu càng ngấm, uống càng ngon hơn.
Tuy nhiên rượu bắp, mỳ không thể để quá 10 ngày, lâu hơn sẽ bị chua. Nhưng nếu uống sớm (trước 10 ngày) rượu chưa ngấm có vị đắng ít ngon. Do đó mà phải tính toán thời gian cho phù hợp. Rượu đủ ngấm là sử dụng ngay, như thế mới ngon.
Sau khi dơi nướng chín, chủ nhà và khách mỗi người tự tay cầm mỗi con và xé miếng thịt dơi nướng vàng rộm, giòn tan, thơm nồng, hấp dẫn đưa lên miệng nhấn nhá nhấp ngụm rượu cần được rót ra trong những ống tre.
Với bà con dân tộc Konklor đất Tây Nguyên, Kontum món khoái khẩu và sang trọng nhất mỗi khi khách đến nhà bao giờ cũng có món dơi nướng, đế với rượu cần. Nhiều bữa rượu cần kéo dài từ sáng đến tối. Vào dịp Tết hay có đám, có khi rượu được uống từ ngày này qua ngày khác, đến khi tàn tiệc.
Hữu Thắng