“Ăn theo" phim Kong, du lịch Quảng Bình “hút” khách quốc tế
(Dân trí) - Lượng khách quốc tế đến Quảng Bình tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016, đây được xem là kết quả tích cực khi Quảng Bình tận dụng thành công việc dựa vào điện ảnh để quảng bá cho du lịch.
Nằm trong chuỗi các hoạt động quảng bá văn hóa, “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”, chiều ngày 25/3, UBND tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Hà Nội tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch với sự tham gia của gần 300 đại biểu là đại diện các hãng lữ hành trong và ngoài nước. Chương trình với kỳ vọng giúp Quảng Bình khôi phục lại lượng khách du lịch bị ảnh hưởng sau sự cố môi trường biển Formosa vào năm 2016.
Trao đổi với PV bên lề hội nghị, ông Trần Tiến Dũng (Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình) cho biết, tỉnh đang đặt mục tiêu đưa Quảng Bình trở thành hình ảnh nổi bật về du lịch. Ông Dũng cũng cho hay, năm 2017 được xem là năm có nhiều lợi thế để Quảng Bình tạo được bứt phá và dấu ấn trong việc thúc đẩy, thu hút khách du lịch.
Sau khi bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” được quay tại các địa điểm ở Việt Nam, Quảng Bình đã nhanh nhạy tận dụng cơ hội “ngàn vàng” này để quảng bá, thu hút khách du lịch. Vậy tính đến thời điểm này, hiệu ứng của bộ phim tác động thế nào đến việc phát triển du lịch Quảng Bình, thưa ông?
Ngay từ khi đoàn làm phim “Kong: Đảo đầu lâu” thực hiện các cảnh quay ở địa phương, chúng tôi đã xác định, khi bộ phim ra mắt sẽ có tầm ảnh hưởng, tác động rất lớn đối với du lịch của các địa danh được quay trên phim. Vì thế, Quảng Bình cũng đã tận dụng để tạo ra các sản phẩm du lịch, đưa du khách khám phá các điểm đến là bối cảnh của Kong như: Tú Làn, Hang Va, Động Thiên Đường, suối nước Mọc… Đồng thời, chúng tôi cũng đã có bộ nhận diện thương hiệu để người xem phim nhận biết những cảnh này được ở quay ở Quảng Bình. Khi đến Quảng Bình cũng sẽ thấy phim trường của Hollywood.
Hiện nay, sau 2 tuần công chiếu thì doanh thu của “Kong: Đảo đầu lâu” đã đạt khoảng 266 triệu USD, trong đó thị trường Mỹ vào khoảng 177 triệu USD, riêng ở Việt Nam là 150 tỷ (VNĐ) - doanh số kỷ lục về doanh thu phòng vé Việt Nam. Từ ngày 23/3 bộ phim bắt đầu được trình chiếu ở 2 thị trường rất lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc. Có thể nói, bước đầu bộ phim đã gây được tiếng vang khá tốt tác động tích cực đến việc phát triển du lịch của các địa danh là bối cảnh trong phim.
Tính từ đầu năm đến nay, lượng khách đến Quảng Bình tăng khoảng 30%, riêng lượng khách quốc tế tăng đến 39%. Chúng tôi đặt mục tiêu đón khoảng 3 triệu lượt khách trong năm 2017 này.
Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng và giàu tài nguyên phát triển du lịch hàng đầu ở Việt Nam. Ngoài việc tận dụng sức nóng của bộ phim bom tấn “Kong: Đảo đầu lâu”, thời gian tới Quảng Bình có chiến lược và sự chuẩn bị như thế nào để quảng bá, thu hút khách du lịch, thưa ông?
Hiện nay, chúng tôi đã xác định và xem du lịch là một nghành kinh tế mũi nhọn. Trong những năm qua, Quảng Bình có nhiều sự thay đổi, bứt phá về du lịch. Các điểm lưu trú, cơ sở hạ tầng ở địa phương đã được đầu tư, nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, giúp du khách có những trải nghiệm tuyệt vời khi đến đây.
Thời gian qua, tỉnh đầu tư ngân sách rất mạnh mẽ trong việc quảng bá, phát triển du lịch. Hiện nay chúng tôi đang triển khai quảng cáo các hình ảnh, địa danh của Quảng Bình trên Google, Facebook và các mạng xã hội khác… Năm 2017, Quảng Bình cũng ký hợp đồng với trang Trip Advisor, trang mạng du lịch lớn nhất thế giới thực hiện gói hợp tác dài hạn trong hai năm, sẽ đưa những hình ảnh du lịch nổi bật của du lịch Quảng Bình ra thế giới thông qua trang mạng này. Theo đó, các tiềm năng của du lịch Quảng Bình như: Quảng Bình- vương quốc hang động; Sơn Đoòng hang động lớn và đẹp nhất thế giới cùng với các sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử… sẽ được giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Mặt khác, để nâng cao tần suất khai thác du lịch, chúng tôi cũng đã đề xuất các hãng hàng không tăng từ 2 – 3 chuyến bay từ Hà Nội – Đồng Hới thay vì một lần/ngày như trước. Sắp tới, Quảng Bình cũng phối hợp với các công ty hàng không khai trương đường bay: Đồng Hới – Chiềng Mai và Đồng Hới – Cát Bi để phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi để du khách khám phá, chiêm ngưỡng những cảnh quan tuyệt đẹp của địa phương.
Thế mạnh của Quảng Bình là các cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Thế nhưng làm thế nào để vừa thu hút, thúc đẩy du lịch lại góp phần bảo tồn, giữ gìn môi trường sinh thái không phải là câu chuyện đơn giản đặc biệt trong bối cảnh khí hậu có nhiều diễn biến khó lường như hiện nay, thưa ông?
Đây là một vấn đề khó và luôn được Quảng Bình trăn trở, quan tâm trong những năm vừa qua. Việc phát huy, khai thác các giá trị di sản là một phần nhưng việc bảo vệ, gìn giữ các di sản này cũng phải được đặt lên hàng đầu. Thời gian qua, chúng tôi luôn chú trọng chọn lựa những nhà đầu tư vừa có nguồn lực khai thác tốt, lại phải có tâm huyết trong việc bảo vệ cảnh quan chung. Về việc khai thác, phát triển du lịch, chúng tôi cũng có những thị trường du khách riêng và đặc biệt. Chúng tôi quan niêm, thà đón 1 khách đến chi 10 triệu để dễ quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ, gìn giữ môi trường chung còn hơn là đón 10 khách đến mà mỗi người chi 1 triệu. Nghĩa là, số tiền du khách bỏ ra phải tương xứng với chất lượng được phục vụ.
Cho đến thời điểm này Quảng Bình đang làm rất tốt việc đảm bảo phát triển hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn môi trường sinh thái. Tôi nghĩ du lịch Quảng Bình đang đi đúng hướng.
Gần đây, câu chuyện động Thiên Đường (Quảng Bình) có thể trở thành địa điểm diễn ra phần thi trang phục dân tộc của một cuộc thi hoa hậu quốc tế đang khiến nhiều người e ngại về mặt bảo tồn tự nhiên. Bản thân ông nghĩ sao về điều này?
Hiện nay BTC cuộc thi cũng đã đến đặt vấn đề này với Quảng Bình và động Thiên Đường đang được đề xuất chọn làm địa điểm tổ chức. Tuy nhiên, phải khẳng định là đến giờ phút này chưa có quyết định chính thức nào. Nhiều ý kiến trên báo chí cho rằng nếu tổ chức ở đây sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Thực tế, Động Thiên Đường có sức chứa khá lớn, có thời điểm cao điểm lượng khách tham quan trong hang lên tới gần 6 nghìn người.
Cách đây khoảng 3- 4 năm chúng tôi cũng đã tổ chức rất thành công lễ hội hang động Quảng Bình tại đây và để lại tiếng vang rất tốt đối với khách du lịch. Khi tổ chức chúng tôi cũng phải tính toán đến yếu tố môi trường.
Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ cân nhắc và xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Thưa ông, vì sao trong năm 2017 này, Quảng Bình lại chọn Hà Nội là trọng tâm phát triển du lịch của mình?
Quảng Bình xác định Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc là thị trường khách du lịch lớn của Quảng Bình, đồng thời là đầu mối quan trọng trong việc trung chuyển khách đến với Quảng Bình và ngược lại, đặc biệt là khách quốc tế. Hiện nay 40% khách nội địa đến Quảng Bình là thông qua Hà Nội, chính vì thế có thể nói Hà Nội là đối tác rất quan trọng với Quảng Bình.
Vì vậy trong khuôn khổ chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” chúng tôi phối hợp với Hà Nội tổ chức các hội nghị quảng bá, xúc tiến và kết nối du lịch giữa 2 địa phương đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch giới thiệu, gặp gỡ trao đổi thông tin tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Hà Trang