Ấm lòng mùa lễ Vu Lan trong 5 ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam

(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 7 mùa lễ Vu Lan, những người con đất Việt lại tìm về cội nguồn yêu thương để bày tỏ lòng biết ơn đến đấng sinh thành của mình...

Chùa Bái Đính, Ninh Bình

Nói đến Bái Đính là nói đến vùng đất “địa linh – nhân kiệt”. Đây là nơi mà Quốc sư Nguyễn Minh Không thời nhà Lý tu Phật và hành lễ trên đỉnh núi rồi đặt tên cho núi, cho chùa.

Ấm lòng mùa lễ Vu Lan trong 5 ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam - 1

Với kiến trúc đồ sộ, nguy nga, lộng lẫy, những pho tượng nét uy nghi, bao dung, nghệ thuật chạm khắc, đúc đồng tinh tế, tài tình cùng cảnh quan hùng vĩ, núi gối đầu sông, mây vờn đỉnh núi, không gian tâm linh thanh tịnh bao trùm khiến mỗi khi bước chân đến đây, người người thư thái, lòng sáng, tâm tịnh, hướng đến Chân - Thiện – Mỹ.

Đặt chân đến Bái Đính, ta có thể chiêm ngưỡng ngay trước mắt Tam Quan cao gần 17 mét. Đây chính là ranh giới giữa cõi thiêng và cõi tục. Chỉ cần bước chân qua Tam Quan, người ta có thể hòa mình vào không gian tâm linh thanh tịnh. Tiếp đó là chuông đồng nặng 36 tấn, được treo trên tháp cao với tiếng ngân vang vọng, lan tỏa khắp nơi, xua tan mọi nỗi thống khổ, cảnh tỉnh chúng sinh.

Ấm lòng mùa lễ Vu Lan trong 5 ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam - 2

Hành lang chùa dài với 500 vị La Hán, là con đường đưa ta đến gần với cõi Phật. Các pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tất, Phật Thích Ca Mầu Ni bằng đồng lớn nhất Việt Nam mang trên mình bao nét uy nguy, bác ái, đem niềm tin về những điều thiện gieo vào lòng người. Một công trình kiến trúc đồ sộ, tinh tế được đặt giữa chốn bồng lai tiên cảnh.

Nhìn từ xa, khu chùa Bái Đính như đang tựa mình bên sườn đồi xanh thẳm. Cảnh sắc lung linh huyền ảo cùng không gian thiêng rộng lớn đã đưa Bái Đính trở thành một bức tranh tâm linh vừa tuyệt mĩ, vừa cổ kính.

Chùa Hoằng Pháp, TP HCM

Là một ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn, chùa Hoằng Pháp không chỉ sở hữu cảnh đẹp thanh tịnh giữa thiên nhiên xanh mát mà còn là nơi để cho những người con tâm kính học đạo.

Ấm lòng mùa lễ Vu Lan trong 5 ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam - 3

Chùa Hoằng Pháp có khuôn viên rộng lớn, bạn có thể tịnh tâm cầu khấn bình an, ăn bữa cơm chay ấm lòng ngày Vu Lan hay chờ hoa sala rụng để nhận lộc với hy vọng sẽ nhận thêm phúc lành từ cửa Phật.

Chùa do Hòa thượng Ngộ Chân Tử sáng lập năm 1957 trên một cánh rừng chồi. Năm 1959, ngôi chùa tường gạch mái ngói chiều ngang 10m, chiều rộng 18m mới được xây dựng, hướng Tây Bắc. Năm 1972, chùa lại được xây nối thêm mặt tiền chánh điện dài 28m.

Ngôi chánh điện đã được chùa tổ chức khánh thành trọng thể vào ngày 16-10-1997. Điện Phật tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca ngự trên tòa sen trong tư thế thiền định, chiều cao khoảng 4,5m. Chung quanh vách tường phía trên là 7 bức phù điêu bằng xi-măng minh họa cuộc đời đức Phật từ khi Đản sanh đến lúc Nhập Niết bàn. Ở đây tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 5m bằng cẩm thạch, nặng hơn 20 tấn. Lễ an vị đã được tổ chức vào ngày 23-11-1999 (16-10 năm Kỷ Mão)

Chùa Hoằng Pháp tọa lạc tại xã Tân Hiệp, Huyện Hóc Môn, TP HCM. Để đến chùa Hoằng Pháp bạn chọn tuyến xe buýt phù hợp đi Bến Xe Củ Chi, các tuyến xe này đa số sẽ đi ngang qua chùa Hoằng Pháp.

Thiền viện Trúc lâm An Tâm

Thiền viện An Tâm, Tây Thiên – một ngôi chùa lớn nằm trên núi Thạch Bàn, giờ là khu di tích Tây Thiên, thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây thiên cảnh trong lành, yên bình thích hợp là nơi vãn cảnh, chiêm bái Phật tổ.

Ấm lòng mùa lễ Vu Lan trong 5 ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam - 4

Vào dịp lễ Vu Lan, Thiền viện tổ chức Đại lễ Vu Lan với rất nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm nhắc nhở chúng ta biết tri ân và báo ân đối với cha mẹ. Lễ “Bông hồng cài áo” không những để vinh danh người mẹ mà còn để tưởng nhớ người cha. Và hoạt động khác như Lễ phóng sinh, tham quan vãn cảnh Thiền Viện Tây Thiên và đại bảo tháp Mandala hoặc nghe Sư cô giảng pháp, chia sẻ giáo lý…

Chùa Vĩnh Nghiêm, TPHCM

Chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa lớn và nổi tiếng của TPHCM. Con đường phía trước chùa từng là nơi ghi dấu trận chiến cuối cùng của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi năm 1964.

Ngoài ra chùa còn được ghi nhận là nơi có tháp đá cao nhất và công phu nhất Việt Nam, với 7 tầng, cao 14 m được khánh thành năm 2003. Tháp được xây dựng với nghệ thuật trổ đá dày đặc, công phu với hoa văn, họa tiết điêu khắc phủ kín… tất cả đều theo phong cách văn hóa Lý - Trần.

Ấm lòng mùa lễ Vu Lan trong 5 ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam - 5
Ấm lòng mùa lễ Vu Lan trong 5 ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam - 6

Chùa được xây dựng theo hình chữ công, hai lớp mái chồng diêm, mang nét cổ kính, theo truyền thống Á Đông.

Chánh điện có những công trình chạm khắc gỗ của những năm 1960. Tháp Quan Âm ở bên trái, 7 tầng mái, cao 35 m, bảo tháp hình vuông cạnh 6 m, đỉnh tháp gọi là Long Xa; vọng chuông thấp có đại hồng chung đường kính 1,8 m. Ðây là ngôi tháp lớn nhất của Phật giáo Việt Nam.

Mùa Vu Lan, đến chùa, ngoài tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì bạn còn được tham gia nhiều hoạt động từ thiện, lễ phóng sinh cầu nguyện bình an và hạnh phúc.

Cách trung tâm thành phố 2 km về hướng Tây Bắc, từ bao lâu nay, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi hành hương quan trọng của Phật tử thành phố. Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc tại 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Quận 3, TPHCM.

Chùa Giác Lâm, TP HCM

Giác Lâm là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở đất Gia Định – Sài Gòn còn tồn tại đến ngày nay. Năm 1744, chùa được cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương xây dựng. Trải qua hàng trăm năm, chùa có nhiều tên gọi khác nhau như: Chùa Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm. Ngày nay, Chùa Giác Lâm tọa lạc tại 118 Lạc Long Quân, P.10, Q. Tân Bình, TPHCM.

Kiến trúc chùa Giác Lâm được xem là tiêu biểu cho lối kiến trúc chùa Nam bộ, với mặt bằng tổng thể theo kiểu chữ tam; chính điện là kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, có bốn cột chính gọi là tứ trụ.

Ấm lòng mùa lễ Vu Lan trong 5 ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam - 7

Chùa nguyên thủy không có cổng tam quan (cổng tam quan được xây dựng năm 1955), mái chùa gồm 4 vạt và các sống mái đều thẳng. Chùa hình chữ nhật, gồm 3 lớp nhà chính: chính điện, giảng đường, nhà trai, không kể các nhà phụ.

Chùa hiện lưu giữ 118 pho tượng (106 tượng gỗ, 7 tượng đồng, 5 tượng bằng xi măng), trong đó có 113 pho tượng cổ. Trong các pho tượng cổ có bộ tượng Thập Bát La Hán, bộ tượng Thập Điện, bộ tượng Phật và Tứ Chúng gây được sự chú ý của khách đến chiêm bái nhiều nhất.

Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại TP.HCM, với lối kiến trúc của các chùa Nam Bộ ấn tượng. Vãn cảnh chùa, bạn không chỉ có không gian để tịnh tâm cầu khấn mà cảm nhận vẻ đẹp kiến trúc cũng như thiên nhiên thiên mỹ của chùa.

Đến chùa, bạn có thể cùng Phật tử đã dâng lời tác bạch cúng dường pháp y, bày tỏ niềm tri ân của người con đối với Tam bảo, đấng sinh thành nhân mùa Vu lan - Báo hiếu.

Ngôi chùa tọa lạc tại số 565 (số cũ 118) đường Lạc Long Quân, phường 10, Quận Tân Bình.

Hữu Thắng (tổng hợp)

Ảnh: Internet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm