Á hậu Mâu Thủy bị sinh viên “hỏi xoáy” trong Lễ hội cà phê Ban Mê Thuột
(Dân trí) - Tối 12/3, Á hậu Thùy Dung, Á hậu Mâu Thủy và người đẹp Nguyễn Thị Loan đã giao lưu và ký tặng sách cho người dân trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Ban Mê Thuột.
Á hậu Mâu Thủy cho biết lần đầu tiên tham gia hành trình tặng sách trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Ban Mê Thuột và rất bất ngờ khi thấy các bạn trẻ reo hò gọi tên mình.
Mâu Thủy cũng là người nhận được câu hỏi đầu tiên từ một nữ sinh cấp 3 trường Lê Hồng Phong rằng: “Làm thế nào để có được thành công như Mâu Thủy?”, Á hậu trả lời: “Thủy vẫn chưa thấy hài lòng với những gì đang có và Thủy cần cố gắng nhiều hơn nữa để đạt được nhiều ước mơ khác.
Trước đó, Thủy từng thất bại nhiều cuộc thi khác nhưng không gục ngã mà tự đứng lên tìm nguyên nhân thất bại. Các cuộc thi Thủy tham gia không đơn giản là cho vui mà phải giành được chiến thắng để trở thành người có ảnh hưởng, có ích cho xã hội, giống như những tấm gương trong cuốn sách Khuyến học”.
Các người đẹp tham quan gian hàng cà phê Trung Nguyên tại Lễ hội cà phê và ký tặng sách cho sinh viên - người dân.
Ngay sau đó, Á hậu Thùy Dung chúc các bạn học sinh cấp 3 thi đậu đại học. Nếu cánh cửa đại học chưa mở ra với bạn thì đừng nản chí vì đại học không phải là con đường duy nhất để các bạn có tri thức, có bằng cấp mà còn nhiều con đường khác để các bạn lập thân, chọn ngành nghề, quan trọng là các bạn không bao giờ nản chí như tinh thần trong cuốn sách Không bao giờ thất bại, tất cả là thử thách.
Á hậu Nguyễn Thị Loan chia sẻ rất vinh dự được tham gia hành trình tôn vinh tri thức. Á hậu thấy ấn tượng vì nhiều bạn học sinh Ban Mê Thuột rất xinh tươi.
Nguyễn Thị Loan cười tươi khi được người dân reo hò gọi tên.
Tuy nhiên, cô lại chú ý đến nữ sinh đặt câu hỏi cho Mâu Thủy vì “khi đặt câu hỏi chị thấy em rất run, thế nhưng, hãy nhớ là trên đường đời em đừng run như vậy mà hãy luôn rạng ngời, xinh tươi như ngoại hình của mình.
Dù ước mơ của em là gì hãy cố gắng hết sức, hàng ngày bù đắp kiến thức, tôn vinh mặt mạnh, học hỏi những bài học lớn trong các cuốn sách quý mà nhiều khi ở nhà trường không có để trở nên tự tin hơn”.
Tiến sĩ Trần Hữu Đức, người dẫn dắt buổi giao lưu nhận được câu hỏi: “Tại sao ông Đặng Lê Nguyên Vũ dành tâm huyết cho thanh niên, quan tâm vấn đề khởi nghiệp”, ông Đức trả lời rằng: “Đối với Chủ tịch Vũ, thế hệ thanh niên Việt Nam là tương lai, là rường cột; muốn xây dựng một quốc gia minh triết và có tri thức thì cần có lòng tin và tâm huyết vào thế hệ trẻ.
Mâu Thuỷ cũng nhận được nhiều câu hỏi khó từ phía sinh viên trong buổi giao lưu.
Việc trao tặng sách là khởi động tâm thế và tinh thần khởi nghiệp kiến quốc cho lớp trẻ – đối tượng quyết định sự phát triển của đất nước. Chủ tịch tin thế hệ trẻ có điều kiện, phẩm chất, nếu nuôi dưỡng khát vọng và có hướng đi đúng, sẽ là những người làm nên quốc gia hùng mạnh.”
Ban Mê Thuột – Đắk Lắk là một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên được chọn là điểm khởi đầu cho Hành trình từ trái tim tại các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa.
Sau đó, hành trình sẽ đến với tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum và tiếp tục tại các tỉnh miền Trung: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… Đặc biệt, hành trình sẽ đến các tỉnh thuộc vùng núi cao địa đầu Tổ quốc gồm: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn…
Thuỳ Dung chơi đàn trong không gian Bảo tàng thế giới cà phê.
Trước khi đến cột mốc số không trên biển (Hải Phòng) để tiếp nối hành trình tại các vùng biển đảo: Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý, Thổ Chu… Năm nay điểm nổi bật nhất là hành trình sẽ đến với quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).
Hà Tùng Long
Ảnh: Tô Thanh Tân