Non thiêng Yên Tử

(Dân trí) - Về Yên Tử, để được hít thở không khí trong lành. Được thấy thiên nhiên xanh mát, núi rừng hùng vĩ, suối chảy róc rách, chim hót liu lo… về với Yên Tử để hiểu thêm những câu chuyện thần bí, hiểu thêm về cuộc đời vua Trần Nhân Tông.

Theo sử sách ghi lại, vào cuối thế kỷ XIII, sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông xâm lược, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên non Yên Tử để tụng kinh niệm Phật. Với triết lý nhân sinh của người Việt, gắn kết với giáo lý của Phật nhà vua sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm. Ông đã cho xây dựng hàng loạt công trình lớn nhỏ làm nơi tu hành, giảng đạo. Yên Tử đã đi vào cõi linh thiêng của người dân Việt Nam từ đấy.

Non thiêng Yên Tử
Non thiêng Yên Tử
Nhiều người đến chùa Giải Oan cách đó chừng 100 mét để thắp một vài nén nhang tưởng nhớ đến người xưa và tìm sự thanh thản cho tâm hồn.

Đứng trên ngọn thiêng Yên Tử, có thể bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa xa là dòng xông Bạch Đằng cuộn sóng. Dọc con đường hành hương, đến chân núi là suối Giải Oan ngoằn ngoèo lượn khúc, nước trong vắt chảy róc rách.

Chuyện kể rằng: Sau 2 lần lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông đã quyết từ bỏ ngai vàng về tu ở Yên Sơn, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm và xây dựng nơi đây trở thành trung tâm văn hóa, kinh đô Phật giáo của Đại Việt. Vì không muốn vua cha vào Yên Tử nên Trần Anh Tông ngầm sai các cung tần mỹ nữ tìm đến can ngăn, nhưng Trần Nhân Tông vẫn một lòng theo đạo và khuyên mọi người hãy trở về với triều đình hoặc quay về quê cũ làm ăn. Để tỏ lòng tận trung với thánh thượng, các cung nữ đã nhảy xuống dòng suối Hổ Khê quyên sinh...

Vua Trần xót thương cho số phận của họ nên đã lập đàn tràng làm lễ siêu độ, đồng thời lập ra chùa Giải Oan. Dòng suối Hổ Khê cũng được đổi tên thành suối Giải Oan từ đó... Bên dòng suối hiện còn một cây đa cổ thụ, nhiều cây rừng, tùng, tre, trúc bạt ngàn, thấp thoáng trên cao là những ngọn tháp và đền chùa cổ kính.

Khách hành hương qua đây ai cũng dừng chân đứng lại, lòng man mác với một cảm giác hư hư thực thực. Có người còn uống nước giải oan với lòng mong muốn được xua tan mọi oan khuất, phiền não. Nhiều người đến chùa Giải Oan cách đó chừng 100 mét để thắp nén nhang tưởng nhớ đến người xưa và tìm sự thanh thản cho tâm hồn.

Về với Yên Tử để hiểu thêm những câu chuyện thần bí, hiểu thêm về cuộc đời vua Trần Nhân Tông.
Về với Yên Tử để hiểu thêm những câu chuyện thần bí, hiểu thêm về cuộc đời vua Trần Nhân Tông.

Vua Trần đến Yên Tử đi tu không phải là để trốn đời, yếm thế, mà đi tu để nhập thế cứu đời. Có điều, nhà vua cứu đời không phải theo kiểu của một ông vua, mà là theo kiểu của thánh nhân. Làm vua chỉ chăm dân trăm họ. Làm Phật cứu độ cả muôn loài. Các nhà sư tu thiền khẳng định rằng: tuy ngồi thiền trong am cỏ Ngọa Vân trên đỉnh núi Yên Tử, đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông đã dùng hào quang định lực của mình mà quán chiếu trong, ngoài, trên, dưới.

Ông còn biết rõ được biên cương phương Bắc, phương Tây và phương Nam, có được những quyết sách lớn lao và đúng đắn nhằm gìn giữ tình bang giao giữa các nước láng giềng và Đại Việt, giữ vững nền an ninh chính trị nước nhà.

Chỉ tính trong không gian Yên Tử ngày nay, trên chặng đường hành hương dài tới 20 km từ chân núi lên đỉnh cao 1.068 m, quần thể di tích Yên Tử có tới 11 ngôi chùa. Bên cạnh đó còn rất nhiều am, tháp trải từ chân dốc Đỏ ở Bí Thượng đến đỉnh chùa Đồng. Từ chân lên đỉnh núi trước đây phải đi bộ mất hơn 6 giờ, vượt qua hàng ngàn bậc đá xếp, dài hơn 6 km thì người hành hương mới đến được đỉnh núi.

Về với Yên Tử để hiểu thêm những câu chuyện thần bí, hiểu thêm về cuộc đời vua Trần Nhân Tông.
Nay Yên Tử không chỉ là nơi đến của những bậc tu hành mà còn trở nên hấp dẫn với mọi khách thập phương

Về Yên Tử, nhiều khách hành hương còn tin rằng vùng đất này sẽ cho con người thêm sức lực, sự thanh thản và tự tin vào cuộc sống. Dù rằng là những người đang tuyệt vọng, đang bị bỏ rơi, những người đã từng phạm tội nhưng nay đã nhận ra con đường sáng và sám hối, thậm chí những người đang bị bệnh nặng... khi có lòng đến với Yên Tử đều được đoái thương, được cứu vớt (?)

Dù ai quyết chí tu hành/Có về Yên Tử mới đành lòng tu. Có lẽ vì thấm nhuần câu ca ấy mà số đông người đi cáp treo lại là giới trẻ và những người đi vãn cảnh. Phần lớn những người hành hương, trong đó có những bà cụ ngoài tám mươi vẫn chọn cách đi bộ, len lỏi theo lối mòn vượt qua bạt ngàn cây cỏ, dưới tán rừng trúc, rừng thông để đến đất phật.

Không gian Yên Tử mờ ảo sương mù quyện với khói nhang bồng bềnh. Gió quất mạnh vào người đi đường, kéo họ xuống như một sự thử thách cái tâm hướng phật, rồi gió lại nâng bước chân người lên đến đỉnh một cách nhẹ nhàng. Tiếng gió réo va đập vào những phiến đá phát ra âm thanh trầm bổng du dương như đang trình diễn một bản nhạc thiên nhiên không dứt. Gió dữ dội là thế, nhưng lại hiền hoà là thế.

Nay Yên Tử không chỉ là nơi đến của những bậc tu hành mà còn trở nên hấp dẫn với mọi khách thập phương. Du khách về với Yên Tử để hiểu thêm những câu chuyện thần bí, hiểu thêm về cuộc đời vua Trần Nhân Tông. Được tận mắt thấy thiền viện Trúc Lâm mới xây dựng lại với qui mô lớn trên nền các tích của chùa Lân mà Đức miếu Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từng duyệt, giảng chúng sinh.

Bài ảnh: Hà Anh