Nhọc nhằn lưu giữ và phát huy giá trị di tích thành Vinh

(Dân trí) - Trên địa bàn Thành phố Vinh (Nghệ An) hiện có 74 di tích các loại, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh, 25/60 di tích chưa được xếp hạng đã thành phế tích.

Di tích Đình Trung đã xuống cấp với mái ngói hư hỏng.
Di tích Đình Trung đã xuống cấp với mái ngói hư hỏng.

Hiện tỉnh Nghệ An đang quản lý 1 di tích, thành phố trực tiếp quản lý 17 di tích, và 56 di tích do phường, xã quản lý. Ðây là những di sản văn hoá vật thể có giá trị rất quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nhưng điều đáng quan tâm là việc phát huy giá trị văn hoá của các di tích vẫn còn hạn chế; nhiều di tích đang đứng trước thực tế sẽ thành phế tích nếu không có sự quan tâm, tôn tạo kịp thời của các cấp ban ngành.

Chỉ còn danh nghĩa

Văn miếu Nghệ An đã có từ lâu đời, thuộc địa phận phường Hồng Sơn, Thành phố Vinh. Đây là nơi thờ Khổng Tử, Chu Văn An và các bậc hiền triết đã có công sáng lập, truyền bá, phát triển Nho giáo, đồng thời là nơi để tôn vinh các nhà khoa bảng Nghệ An. Ngoài giá trị lịch sử, văn hóa; Văn miếu Vinh còn có giá trị giáo dục to lớn, biểu tượng cho tinh thần và truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ. Tuy nhiên, hiện di tích này hầu như không còn gì ngoài toà Đại bái 5 gian, 9 cột gỗ lim mục nát được dùng làm nhà kho cho công ty cổ phần in Nghệ An.

Xung quanh di tích đầy cỏ dại.
Xung quanh di tích đầy cỏ dại.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Bảo vệ công ty Cổ phần in Nghệ An cho hay: “Tôi làm ở đây 6 năm rồi, thấy xót xa lắm, di tích thì ngày càng xuống cấp, có còn chi nữa mô. Thế hệ trẻ bây giờ mà nhìn vô (vào) những nơi ni (này) thì sẽ không hiểu chi cả (hết - từ địa phương). Với tư cách là người dân, tôi mong muốn di tích sớm được trùng tu, bảo vệ để làm nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh và giáo dục truyền thống”.

Đền thờ Trần Hưng Đạo ở phường Đội Cung cũng đang chịu chung số phận khi hầu hết các hiện vật, các hạng mục hầu hết đã bị biến mất theo thời gian. Theo các cụ cao tuổi quanh vùng và các tài liệu còn lưu giữ thì ngày xưa đền được xây dựng vào thời Nguyễn với 4 toà lợp ngói Tây rất uy nghi, bề thế. Một thời đền được sử dụng làm nơi dạy học của cô và trò trường Mầm non Đội Cung, trung tâm dạy nghề cho thương bệnh binh.

Hiện nay, một phần diện tích của đền được tư nhân thuê mở hiệu may tạo công an việc làm cho những người khuyết tật. “Từ thời tôi còn nhỏ, đền đã có rồi nhưng qua thời gian, chiến tranh nên mới bị hư hỏng thế này. Cấp trên cũng đã về đo đạc lại nhưng lâu rồi mà vẫn chưa thấy tôn tạo. Chúng tôi rất buồn. Một di tích rất linh thiêng nhưng có còn gì nữa đâu”, cụ Nguyễn Thị Thống (95 tuổi) ở khối 9 phường Đội Cung cho biết.

Di tích Đền Trung xuống cấp trầm trọng theo thời gian.
Di tích Đền Trung xuống cấp trầm trọng theo thời gian.

Ngay như Đình Trung nằm ở địa bàn phường Hưng Dũng - di tích lịch sử của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, nơi diễn ra phong trào đấu tranh của nhân dân Hưng Dũng những năm 30-31, chưa bị thời gian tàn phá thành phế tích nhưng các hạng mục lại rất sơ sài. Cả di tích chỉ còn là một ngôi nhà cũ kỹ với mái ngói bị hư hỏng nặng, các khung gỗ, cột bị rêu mốc, mối mọt tàn phá; xung quanh di tích, cỏ dại mọc um tùm.

Còn tại các di tích như Cồn Mô ở phường Bến Thuỷ - là nơi hội họp của xứ uỷ Trung Kỳ, Tỉnh uỷ Vinh Bến Thuỷ, nơi diễn ra cuộc mít tinh biểu tình ngày 1/5/1930. Đây cũng là điểm di tích Bác Hồ nói chuyện với nhân dân tỉnh nhà tại hội trường Tỉnh Uỷ Nghệ An ngày 14/6/1957 (nay là khối 3 phường Cửa Nam)... đều đang bị rác bẩn xâm hại. Nhiều hạng mục của các điểm di tích này như hệ thống đèn chiếu sáng, bờ bao, cổng đã hư hỏng, nền gạch, xi măng rạn nứt...

Di tích lịch sử Cồn Mô đầy rác bẩn xâm lấn.
Di tích lịch sử Cồn Mô đầy rác bẩn xâm lấn.

Ông Trần Văn Vinh (75 tuổi, ở khối 11 phường Đội Cung) buồn bã nói: “Ngày 2 lần tôi đi tập thể dục qua đây, nhìn thấy di tích mà buồn quá. Di tích gắn với vị lãnh tụ của nước Việt Nam mà đầy cỏ dại, rác bẩn, thiếu người trông coi. Chữ thì nhoè, thiếu bia chỉ dẫn nên nhiều người đi ngang mà có biết đây là công trình gì đâu. Tồn tại mà như thế này thì làm sao mà giáo dục được”.

Khó phát huy

Trong những năm qua, để phát huy giá trị các loại hình di tích, thành phố cũng đã chú trọng mạnh đến công tác quản lý, tôn tạo. Hiện tại Thành phố đã thực hiện tốt các dự án trùng tu tôn tạo di tích như dự án cụm tượng đài ngã ba Bến Thủy, tôn tạo đền Hồng Sơn, đền Trìa xã Hưng Lộc, sửa chữa đền Quang Trung... với giá trị hàng chục tỷ đồng đã tạo ra bộ mặt mới đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và góp phần quảng bá về truyền thống, nét đẹp văn hóa của thành Vinh.

Di tích Cồn Mô bị xấm lấn, thiếu người chăm sóc...
Di tích Cồn Mô bị xấm lấn, thiếu người chăm sóc...

Để tăng cường công tác quy hoạch, quản lý, Thành phố đã lập quy chế chỉ đạo các đơn vị thực hiện như quy chế quản lý di tích, quy định tạm thời về tiếp nhận, sử dụng công đức bằng hiện vật, phối hợp các cơ quan chuyên môn cùng vào cuộc... Đáng chú ý, ở một số di tích trọng điểm thuộc cấp thành phố quản lý như đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết, đền Hồng Sơn... đã thành lập được BQL 3 cấp từ thành phố đến khối, xóm kết hợp bộ phận giúp việc thường trực tại các di tích để quản lý và sử dụng.

Tuy vậy, vấn đề quản lý, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa hiện có trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông Từ Hoa Lam - Phó chủ tịch UBND phường Trung Đô thì ở địa phương mới chỉ phát huy được di tích quần thể núi Dũng Quyết nhưng cũng chưa xứng tầm bởi đây là điểm nhấn về du lịch của Thành Vinh nhưng do các hạng mục thiếu được đầu tư, mới chỉ có đền thờ vua Quang Trung và đường bao xung quanh nên khó thu hút để phát triển.

Di tích Cồn Mô bị xấm lấn, thiếu người chăm sóc...
Di tích Cồn Mô bị xấm lấn, thiếu người chăm sóc...
Bia dẫn tích bị nhòe, hệ thống điện chiếu sáng bị hư hỏng tại điểm Bác Hồ nói chuyện với nhân dân tỉnh nhà tại hội trường Tỉnh Uỷ Nghệ An ngày 14/6/1957 nay là khối 3 phường Cửa Nam.

“Các di tích phát huy rất khiêm tốn. Với di tích chùa Hang Bụt chưa được công nhận và đang bị thời gian tàn phá thành phế tích thì không nói làm gì. Ngay như điểm di tích Bác Hồ thăm nói chuyện với cán bộ công nhân nhà máy điện Vinh do nằm trong khuôn viên Điện lực Vinh nên càng khó phát huy hiệu quả. Cần phải tiếp tục đầu tư, trùng tu các hạng mục, sớm hoàn thiện quy hoạch, nhất là với quần thể di tích Lâm viên núi Quyết thì mới mong có hiệu quả được”, ông Lam nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Khánh - Phó chủ tịch UBND phường Hưng Dũng cho rằng: “Quần thể di tích Làng Đỏ như các di tích Đình Trung, Dăm Mụ Nuôi, cây Sanh chùa Nia... khó phát huy giá trị. Các hoạt động gắn với các di tích mới chỉ là hình thức, chưa thực chất nên hiệu quả mới chỉ ở một mức độ nào đó. Các di tích có quyết định công nhận là xong còn công tác kiểm tra lại thiếu quan tâm”.

Di tích Cồn Mô bị xấm lấn, thiếu người chăm sóc...
Bàn thờ tạm trước nhà kho của Công ty cổ phần in Nghệ An vốn là văn miếu Vinh trước kia nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trước thực tế, ông Khánh mong muốn: “Một bất cập là có sự chồng chéo trong quản lý. Theo quy định là đất thuộc di tích ở các dòng họ thì không được xâm hại nhưng đất này lại thuộc đất thổ cư các dòng họ nên theo quyền thừa kế thì họ có quyền sử dụng. Lẽ ra khi có quyết định công nhận di tích thì nên có quyết định thu hồi đất và tái định cư ngay với những hộ nằm trong khuôn viên nhưng lại không làm được. Tôn tạo những di tích bị xuống cấp thì dễ nhưng khó nhất vẫn là với các công trình hiện vật thuộc các di tích chỉ còn là phế tích. Vì vậy, cần tiếp tục đầu tư và tăng cường quản lý, hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo vệ, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân”.

“Thành phố có 4 loại hình di tích gồm di tích lịch sử thời kỳ cách mạng Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; các địa điểm lưu niệm Bác Hồ; tín ngưỡng, tôn giáo và thuộc các dòng họ. Việc phát huy giá trị gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất là với các di tích lịch sử thời kỳ cách mạng Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, các địa điểm lưu niệm về Bác Hồ. Bởi các di tích này hiện vật hầu hết không còn gì, thiếu tính hấp dẫn; nội dung bia dẫn tích đơn giản, chưa có ý nghĩa giáo dục, thiếu sự quan tâm, bảo quản thường xuyên. Hiện một số di tích tôn giáo cũng rất khó quản lý. Để phát huy hiệu quả thì cần căn cứ vào từng hạng mục để tôn tạo, quy hoạch hợp lý. Sẽ tổ chức khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc toàn bộ di tích nhất là với những di tích đã xếp hạng, tiến tới quy hoạch theo hướng mở. Đảm bảo quyền lợi cho những người làm công tác bảo vệ và trông coi. Sẽ hình thành các điểm di tích theo trình tự thời gian, chú trọng các hoạt động sinh hoạt gắn với di tích và nâng cao công tác tuyên truyền”, ông Bùi Quang Phương - Phó phòng VHTT Thành phố Vinh cho biết.

Nguyễn Minh Thư - Lany Nguyễn