Nhân lực ngành Du lịch: “Đãi cát tìm vàng”
(Dân trí) - Nhân lực du lịch đang là vấn đề mang tính cấp bách khi mà rất nhiều sinh viên ngành du lịch ra trường vẫn còn "non tay"…
Đãi cát tìm vàng…
Thời gian vừa qua, thanh tra ngành du lịch đã liên tiếp xử lý hàng chục vụ vi phạm trong hoạt động hướng dẫn viên ở Việt Nam, trong đó đã nhiều trường hợp bị trục xuất khỏi Việt Nam vì lý do sử dụng hướng dẫn viên chui. Thực chất đây là những người đại diện cho các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài ở Việt Nam và hoạt động như một văn phòng đại diện. Thay vì sử dụng các HDV có thẻ hành nghề, một số văn phòng này lại sử dụng "hướng dẫn viên chui" là người nước ngoài để thực hiện việc đưa dẫn khách.
Với nhiều tiểu xảo liên kết làm giá với một vài cửa hàng, địa điểm rồi đưa khách đến, ép khách mua sau đó chung chi hoa hồng hưởng chênh lệch.
Tìm nguyên nhân chúng tôi được biết, lý do chính là hiện nay chúng ta đang thiếu quá nhiều hướng dẫn viên đặc biệt là hướng dẫn viên tiếng hiếm, trong khi đó lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng nhanh.
Vấn đề nhân lực trong ngành vẫn còn là bài học hết sức nan giải. Theo thống kê, hiện cả nước có trên 10 ngàn doanh nghiệp lữ hành, thế nhưng, số đơn vị đào tạo nhân lực cho ngành lại qúa hạn chế, trong khi đó lượng đào tạo ngành hướng dẫn viên chỉ chiếm có một phần trong số đó.
Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo dài hạn ở các trường đại học, cao đẳng... nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ. |
Bên cạnh đó, có không ít các doanh nghiệp lữ hành có tiếng thường xuyên rơi vào tình trạng khan hiếm hướng dẫn, đặc biệt vào mùa cao điểm cuối năm, các dịp lễ tết, các sự kiện lớn.
Họ thường phải đối phó bằng biện pháp kêu gọi thêm cộng tác viên bên ngoài. Tuy nhiên việc kêu gọi này lại thường xuyên gặp rủi ro, khi trong số cộng tác viên đó có một vài người vì mục đích cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
"Cơ hội việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp ngành hướng dẫn hiện nay rất lớn, song có doanh nghiệp liên tục tổ chức tuyển hướng dẫn nhưng số người được nhận lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay" - giám đốc một doanh nghiệp du lịch nói.
Theo khảo sát của một số công ty du lịch, có tới 30-45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70 - 85% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn ngoại ngữ.
“Bấm bụng” nhờ... Tây làm thuê
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra đối với lĩnh vực khách sạn ở Việt Nam.
Giám đốc một doanh nghiệp du lịch tâm sự, mỗi năm công ty ông nhận được rất nhiều hồ sơ xin việc các vị trí lễ tân, kế toán, quản trị kinh doanh, marketing, thư ký, nhân viên văn phòng… trong khi đơn vị thật sự thiếu nhân sự ở các bộ phận bếp, buồng, phục vụ bàn, nhưng đăng thông báo tuyển dụng nhiều tháng ròng vẫn không tìm được người có tay nghề như ý muốn.
Chủ doanh nghiệp này cho biết; mỗi đợt thông báo tuyển dụng, chúng tôi không ấn định thời hạn kết thúc với mong muốn nhận được nhiều đơn ứng cử để có cơ hội lựa chọn kỹ lưỡng những ứng viên có tay nghề thật sự nhưng chỉ nhận được vài bộ hồ sơ.
Thực tế, đã có nhiều sinh viên, sau khi ra trường đành phải "tạm lánh" một thời gian tại các khách sạn, cơ sở lưu trú nhỏ, tích luỹ kinh nghiệm sau đó mới tiếp tục nghĩ tới chuyện tìm việc các khách sạn có quy mô lớn.
Hầu hết những người có tay nghề vững ở khách sạn lớn thường đã trải qua các lớp đào tạo nghiệp vụ ở nước ngoài.
Một thực tế cho thấy, có rất ít những người Việt Nam đang giữ trọng trách quản lý ở các khách sạn liên doanh có quy mô lớn, mặc dù hàng năm chúng ta cho ra trường một số lượng không nhỏ.
Ngay cả ở một số khách sạn lớn của Việt Nam do thiếu người quản lý vẫn phải "bấm bụng" thuê quản lý là người nước ngoài, mặc dù số chi phí thuê lao động giữa người Việt Nam và người nước ngoài luôn chênh lệch nhau rất nhiều.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cơ bản là công tác đào tạo nhân lực còn quá bất cập: đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu về cả chất lượng và số lượng; chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy ít được thay đổi, việc áp dụng các chương trình tiêu chuẩn quốc tế trong nghiệp vụ khách sạn rất hạn chế. Đặc biệt sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo còn rất lỏng lẻo.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc đầu tư của Nhà nước chúng ta cần khuyến khích mạnh hơn các thành phần kinh tế thành lập các cơ sở đào tạo du lịch, kể cả các cơ sở nước ngoài hoặc liên kết với nước ngoài.
Bài và ảnh: Hà Anh – Song An