Nghệ thuật truyền thống loay hoay “làm”du lịch
Biến nghệ thuật truyền thống thành sức hút đối với du khách trong và ngoài nước từng là một trong những thế mạnh, hạt nhân phát triển của nền du lịch ở nhiều quốc gia.
Với tiềm năng dồi dào, tuy nhiên, chặng đường đưa nghệ thuật truyền thống “làm” du lịch ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.
Ngổn ngang mối lo
Ngày nay, nhiều quốc gia coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Việc lấy nghệ thuật truyền thống làm điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Việt Nam đã được quan tâm trong nhiều năm qua.
Khắp mọi miền Tổ quốc xuất hiện dồi dào những tiềm năng nghệ thuật truyền thống. Điển hình như ở Thủ đô Hà Nội, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách diễn ra hết sức phong phú và hấp dẫn. Vào thứ Bảy hàng tuần, chợ Đêm Hàng Đào – Đồng Xuân đã trở thành tụ điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống như Chiếu Xẩm “Hà Thành 36 phố phường”. Bên cạnh đó, còn phải kể tới nhà hát Chèo Kim Mã, nhà hát Chèo Hà Nội – hai chiếu chèo nhịp nhàng hàng tuần làm nức lòng bao khách du lịch. Song song với hát chèo, nhà hát Tuồng TW với các buổi diễn tại rạp Hồng Hà cũng thu hút nhiều du khách. Đem lại dấu ấn đậm đà của nền nghệ thuật truyền thống Việt Nam tới bạn bè quốc tế, không thể không kể đến nghệ thuật rối nước với Nhà hát múa rối TW và Nhà hát múa rối Thăng Long.
Thành công nhất trong mô hình đưa nghệ thuật truyền thống “làm” du lịch, có lẽ là ca Huế tại xứ Huế mộng mơ. Bạn bè quốc tế khó có thể quên hình ảnh ca Huế trên sông Hương. Đây là nét đẹp nên thơ, đã đi vào bao áng văn chương. Chưa kể, thời gian qua loại hình nghệ thuật Nhã nhạc cung đình cũng phát triển rất mạnh và đưa đến nhiều dấu ấn cho người thưởng thức.
Không gian nghệ thuật truyền thống của thành phố mang tên Bác, so với Thủ đô Hà Nội và Huế thì có phần ít đa dạng hơn. Đặc sản của vùng trời Nam có lẽ là đờn ca tài tử và cải lương. Tuy rằng hai không gian nghệ thuật này vẫn sáng đèn hàng tuần nhưng lượng du khách tìm đến cũng không nhiều.
Bên cạnh một số tín hiệu mừng, vẫn còn nhiều tồn tại khiến nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam đến nay vẫn chưa thể trở thành một “ngành công nghiệp” thu hút khách du lịch.
Trước hết, sự khác biệt về ngôn ngữ khiến du khách nước ngoài khó hiểu được giá trị các loại hình ca hát truyền thống của ta. Điển hình như sự xuất hiện của chiếu xẩm Hà Thành tại chợ Đồng Xuân dường như hứa hẹn sẽ đưa xẩm trở thành một điểm hẹn đối với du khách khi đặt chân tới Thủ đô. Tuy nhiên, sau vài buổi trình diễn, lượng khách nước ngoài ghé xem ngày một thưa vắng, hầu như chỉ biểu diễn cho khách đến chợ Đêm, chủ yếu là người sống ở Hà Nội.
Vẫn biết nghệ thuật truyền thống không chỉ đem tới giá trị tinh thần, mà còn những giá trị vật chất. Tuy nhiên, nhiều người đã lợi dụng nó nhằm mục đích kiếm lời cá nhân khiến không ít du khách “hồn xiêu phách lạc” khi được tiếp cận. Xứ Huế mộng mơ với ca Huế trên sông Hương và Nhã nhạc cung đình Huế không ít lần làm khách du lịch được một phen khiếp sợ vì sự bắt chẹt, biến tướng trong cách phục vụ, giá cả “cắt cổ”…
Bên cạnh đó, hiện tượng các tụ điểm biểu diễn hoạt động một cách tự phát, nghèo nàn cả về cơ sở vật chất lẫn không gian văn hóa cũng là một trong những rào cản cho việc đưa nghệ thuật truyền thống đến với bạn bè quốc tế. Những tụ điểm này chỉ sau một thời gian vắng vẻ rồi cũng phải tự đóng cửa.
Phải có sản phẩm đặc thù!
Theo các chuyên gia lữ hành, để chương trình nghệ thuật tạo được ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, để nghệ thuật truyền thống thực sự là mũi nhọn thu hút du khách, phải nâng cấp cơ sở vật chất và nội dung chương trình. Nên thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước góp vốn đầu tư xây dựng điểm diễn và tổ chức dàn dựng chương trình nghệ thuật quy mô. Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội đã từng phát biểu trong một cuộc hội thảo về phát triển du lịch rằng: “Muốn đưa nghệ thuật truyền thống vào phát triển du lịch cần phải quy hoạch thành các điểm biểu diễn tốt, chương trình hấp dẫn. Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội do Sở đang xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của Hà Nội, trong đó có sản phẩm du lịch văn hóa phi vật thể nhằm khơi dậy nét riêng của Hà Nội”.
Nghệ thuật truyền thống cần những bước đi mới, những chiến lược xúc tiến du lịch để đưa nó vượt qua những rào cản khó khăn, thực sự là hạt nhân phát triển thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.
GĐXH