Kích cầu du lịch: “Còn nhiều hạn chế cần khắc phục”

(Dân trí) - Trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm hiện nay, kích cầu du lịch được coi như một giải pháp “cứu cánh”, góp phần “vực dậy” ngành công nghiệp không khói, đặc biệt là du lịch nội địa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Du lịch nội địa tăng trưởng tốt

Tính đến thời điểm này, chương trình kích cầu du lịch 2013 mới chỉ đi được 2/3 chặng đường nhưng đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Các đơn vị lữ hành đều ghi nhận rằng, nhờ sự tham gia của đông đảo đơn vị cung ứng dịch vụ như hàng không, khách sạn, đơn vị vận chuyển, nhà hàng… nên dù trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lữ hành vẫn có thể tạo ra được những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phải chăng mang tới du khách. Đặc biệt, nhờ có sự tham gia tích cực của các hãng hàng không (giảm tới 40-60% giá vé) mà chưa bao giờ giá máy bay lại rẻ như hiện nay. Điều này khiến cho tour máy bay tăng mạnh so với tour đường bộ, đường biển. Và sự tăng trưởng của tour nội địa cũng vượt trội so với tour outbound.

Kích cầu du lịch: “Còn nhiều hạn chế cần khắc phục”
Mặc dù đã gặt hái những thành quả ban đầu, song một số doanh nghiệp lữ hành cho biết, chương trình kích cầu du lịch vẫn tồn tại những bất cập (ảnh: LĐ)

Ông Trần Thế Dũng, Phó Trưởng Nhóm Khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa cho biết, chỉ trong vòng 4 tháng triển khai kích cầu (từ tháng 5 cho tới tháng 8/2013), Nhóm đã khai thác được 20.273 khách mua tour máy bay trọn gói theo chương trình kích cầu, tăng 28% so với cả năm 2012. Ông Dũng cũng lạc quan tin tưởng rằng, trong năm 2013 nhóm có khả năng sẽ khai thác được lượng khách mua tour máy bay theo chương trình kích cầu 2013 đạt 30.000 khách, tăng gấp đôi 2012.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Minh Mẫn, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị truyền thông của Vietravel nhận định: “Cũng nhờ kích cầu mà đã tạo ra những sự hợp tác liên hoàn, hình thành những liên minh kích cầu trên toàn quốc để tạo nên những sản phẩm tốt, giá thành rẻ. Đây là thành công mà nhiều năm rồi ngành du lịch chưa làm được”, ông Mẫn cho biết.

Bên cạnh đó, kích cầu cũng làm giảm bớt tính mùa vụ vốn tồn tại từ lâu trong ngành du lịch. Du khách không chỉ đổ xô đi du lịch vào mùa hè nữa, mà đến tháng 9-10 vẫn có những đoàn khách đặt tour. Điểm khác biệt đáng kể nữa là nếu như trước đây những sản phẩm du lịch mới ít được du khách chú ý thì nay những sản phẩm này được khai thác tốt vì được sự hỗ trợ tích cực của hàng không, như tour du lịch văn hóa ở Tây Bắc, Tây Nam Bộ…

“Còn nhiều hạn chế cần khắc phục”

Đó là ý kiến đề xuất của nhiều đơn vị lữ hành đối với chương trình kích cầu du lịch. Theo ông Trần Thế Dũng, thực tế, chương trình kích cầu do Tổng cục du lịch phát động nhắm vào mùa thấp điểm, trong khi chiến dịch kích cầu của một số nhóm liên kết ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đã khởi động từ đầu năm, vậy nên nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ có cớ để từ chối giảm giá. Điều này khiến các hãng lữ hành rất khó khăn khi triển khai các gói khuyến mại với nhiều ưu đãi sâu cho du khách.

Mặc dù đã gặt hái những thành quả ban đầu, song một số doanh nghiệp lữ hành cho biết, chương trình kích cầu du lịch vẫn tồn tại những bất cập cần được giải quyết nếu còn triển khai trong những năm tới như: triển khai chậm và khá chung chung, không có hướng dẫn cụ thể và không có sức ép nào đối với các đơn vị tham gia chương trình. Các đơn vị cung cấp dịch vụ phải tự trao đổi, thống nhất với nhau để đưa ra những sản phẩm du lịch mới phù hợp với từng thời điểm và nhu cầu của thị trường. Điều này dẫn đến thực trạng có những đơn vị cung ứng dịch vụ ở địa phương tham gia theo kiểu hình thức, "góp mặt cho có". Việc giảm giá giữa các đơn vị, các địa phương không được thực hiện một cách đồng bộ, lâu dài…

Một số doanh nghiệp cũng đề xuất rằng, trong thời buổi kinh tế khủng hoảng như hiện nay, du lịch không tránh khỏi tình trạng lao đao. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi nhiều hơn cho doanh nghiệp du lịch, ví dụ như giảm 50% VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp …

Theo một chuyên gia du lịch, để chương trình kích cầu thực sự đạt hiệu quả thì các doanh nghiệp du lịch và các đơn vị cung ứng dịch vụ không thể sử dụng mãi chiêu “giảm giá”, “khuyến mãi”. Điều quan trọng nhất vẫn phải lưu ý tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, cải thiện thái độ phục vụ của người làm du lịch... Đó mới là điểm nhấn quan trọng của kích cầu và khi đó hiệu quả của giải pháp kích cầu mới thực sự bền vững.

Song An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm