Du lịch Việt Nam đang “bỏ quên” khách sạn ít sao

(Dân trí) - Nếu cứ để tình trạng này diễn ra, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến “đông khách”, nhưng thay vì khách có mức chi tiêu cao sẽ là một lượng lớn “khách balô” đổ về Việt Nam.

Ngán ngẩm với khách sạn thấp sao

Cách đây không lâu anh Nguyễn Sĩ Bình, công tác tại một Công ty Bảo hiểm có chuyến đi công tác tại Phúc Yên. Sau khi đặt phòng nghỉ 2 ngày 3 đêm tại một khách sạn được xếp hạng 2 sao, khi về anh cứ lắc đầu nguầy nguậy vì chất lượng dịch vụ ở khách sạn này quá kém.

Khách sạn nằm trong con hẻm, quầy lễ tân được trưng biển tiêu chuẩn 2 sao. Thế nhưng, mặc dù anh đặt phòng đôi, song buồng ngủ của anh chỉ có diện tích trên khoảng 10 m2. Sảnh đón tiếp của khách sạn chỉ rộng hơn hành lang lối đi chút đỉnh. Quan sát mãi, không phát hiện ra hệ thống đèn cấp cứu để đề phòng khi có sự cố xảy ra. Hệ thống bình nóng lạnh trong phòng không hoạt động. Phòng vệ sinh công cộng tại khách sạn cũng không có máy hơ tay, hay khăn tay, giấy lau tay. Khăn mặt, khăn tắm có lẽ không được dùng thường xuyên nên lâu ngày bị ngả màu vàng.

Du lịch Việt Nam đang “bỏ quên” khách sạn ít sao
Tình trạng xuống cấp hệ thống cơ sở vật chất, cũng như chất lượng dịch vụ trong các khách sạn đặc biệt là các khách sạn thấp sao đang diễn ra khá phổ biến (ảnh minh hoạ)

Không chỉ ở Vĩnh Phúc mà nhiều tỉnh thành khác, tình trạng xuống cấp hệ thống cơ sở vật chất, cũng như chất lượng dịch vụ trong các khách sạn, đặc biệt là các khách sạn thấp sao đang diễn ra khá phổ biến.

Hệ thống khách sạn và cơ sơ lưu trú Việt Nam trong những năm gần đây phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô, hình thức sở hữu và chất lượng dịch vụ. Tập trung chủ yếu tại một số trung tâm du lịch lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế…

Tuy nhiên, bên cạnh những khách sạn có “đẳng cấp” đã được công nhận ở Việt Nam và trên thế giới, vẫn còn không ít những khách sạn đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng so với thứ hạng trước đó họ được ngành du lịch xếp hạng.

Theo quy định khách sạn đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 1 đến 5 sao: là khách sạn có cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng phục vụ cao, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch về ăn, nghỉ, sinh hoạt, giải trí theo tiêu chuẩn của từng hạng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, được đánh giá thông qua các chỉ tiêu. Khách sạn hạng càng cao, yêu cầu chất lượng phục vụ, trang thiết bị tiện nghi, số lượng các dịch vụ càng phải đầy đủ, hoàn hảo, đáp ứng được yêu cầu đa dạng của khác.

Với kinh nghiệm thường xuyên dẫn khách du lịch, anh Trần Đức Tuấn một hướng dẫn viên cho biết; các khách sạn 1-2 sao có sự cách biệt khá xa về chất lượng dịch vụ giữa so với khách sạn 4-5 sao, mặc dù về tiêu chuẩn xếp hạng, thứ hạng này vênh nhau không nhiều.

Nếu không, Việt Nam chỉ toàn khách… balô

Thực tế những khách sạn từ 3-5 sao luôn đảm bảo được chất lượng đẳng cấp của mình, ngược lại một số khách sạn 1-2 sao, đặc biệt ở các tỉnh mà ngành du lịch chưa phát triển, tình trạng xuống cấp rất phổ biển. Đây chính là nguyên nhân đã dẫn tới tình trạng “thừa mà thiếu, thiếu mà thừa” khách sạn ở Việt Nam như hiện nay.

Thực tế, mấy năm qua tình trạng “cháy” phòng chỉ diễn ra ở các khách sạn cao cấp, trong khi đó, nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn 2-3 sao, áp dụng giá bán phòng cực kỳ “mềm”, lại vẫn không đắt khách.

Du lịch Việt Nam đang “bỏ quên” khách sạn ít sao
Sự thiếu hụt và chênh lệch quá lớn về đẳng cấp khách sạn sẽ là yếu tố hết sức bất lợi đối với ngành du lịch (ảnh minh hoạ)

Nếu tính về số lượng khách đến Việt Nam để đánh giá sự phát triển của ngành thì điều này không phản ánh được thực chất sự phát triển của du lịch. Các chỉ tiêu quan trọng cần phải xem xét là chất lượng dịch vụ, chất lượng lưu trú, khách lưu trú dài ngày, mức độ chi tiêu và thỏa mãn của khách... Nếu không làm được điều này, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến “đông khách”, nhưng “khách balô” là phần lớn.

Anh Tuấn cho biết; để giảm bớt sự căng thẳng về phòng ốc, một “giải pháp tình thế” được nhiều doanh nghiệp lữ hành áp dụng trong thời gian qua là đưa khách đến điểm du lịch ở các địa phương khác. Tuy nhiên, giải pháp này không thể kéo dài, bởi chất lượng lưu trú không đáp ứng được yêu cầu.

Tình trạng các khách sạn xuống cấp, không đủ với tiêu chuẩn quy định hạng sao đang diễn ra ở một số nơi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất hiếm hoặc rất ít các khách sạn này bị xử phạt ở mức hạ sao theo nội dung Nghị định số: 149/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Ông Nguyễn Xuân Côn, Trưởng phòng Du lịch, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cho rằng; thanh tra ngành du lịch tỉnh thường xuyên kiểm tra chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú, và đã phát hiện nhiều vi phạm về quy định, quy chuẩn của các khách sạn được phong hạng. Tuy nhiên, cho đến nay, Sở chưa áp dụng hình thức xử phạt hạ sao với khách sạn.

Ông Côn nói; “Điều này, không phải là ngành du lịch nương nhẹ đối với các vi phạm mà do chế tài xử phạt của chúng ta chưa rõ ràng. Thường khi thanh tra xuống kiểm tra, theo quy định nếu phát hiện vi phạm, thanh tra sẽ lập biên bản xử phạt hành chính theo mức độ phạt tiền và yêu cầu khắc phục với một thời hạn nhất định. Thực tế là các khách sạn đều tuân thủ rất nghiêm. Tuy nhiên, một thời gian sau sau khi tái kiểm tra, họ lại tiếp tục vi phạm. Số tiền phạt không cao nên không đủ sức răn đe các hành vi vi phạm. Chính vì thế, từ lâu các khách sạn vi phạm nói chung là họ chỉ khắc phục theo dạng đối phó”.

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với khách quốc tế, nhưng sự thiếu hụt và chênh lệch quá lớn về đẳng cấp khách sạn sẽ là yếu tố hết sức bất lợi đối với ngành du lịch.

Bài và ảnh: Hà Anh