Chuyện về chàng HDV “đặc biệt” nhất Hà Thành (P2)

(Dân trí) - “Nhiều lúc tôi thấy mặc cảm, nghĩ mình chỉ như hạt thóc lép bỏ đi, cũng muốn buông xuôi tất cả. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy thương bố mẹ, tôi muốn đi học, muốn đến trường, muốn hiểu biết thế giới ngày mai, và muốn thấy mặt trời của ngày mai”, Phú chia sẻ!

Chàng lùn chinh phục đỉnh Fansipan

Từ đó, cái buổi cô giáo Thái và những người bạn quan tâm chia sẻ với anh những khó khăn, Phú lại càng quyết tâm học và làm việc nhiều hơn những người bình thường. Anh vẫn cố gắng lao động, dù mười bước chân của mình chỉ bằng một bước chân của người bình thường, công việc người khác làm trong 15 phút, anh phải làm mất nửa ngày.

HDV Đinh Văn Phú trong một tour dẫn khách (ảnh: ĐSCT)

HDV Đinh Văn Phú trong một tour dẫn khách (ảnh: ĐSCT)

Đinh Văn Phú bảo, anh trở thành hướng dẫn chỉ vì cái sở thích học tiếng Anh, làm hướng dẫn, tôi sẽ được tiếp xúc được đối thoại với những người có vốn tiếng Anh phong phú, giúp cho người học tiếng Anh tự tin hơn giao tiếp. Đây là điều rất quan trọng cho người học ngoại ngữ. Đối tượng khách của Phú là những sinh viên, người nước ngoài muốn tìm hiểu khám phá đất nước Việt Nam. “Họ rất nhiệt tình, và nhiều kiến thức. Tôi học tiếng Anh, để tôi có thể tự lập đi lên với đôi chân và sự yêu thích của mình.” – anh chia sẻ.

Hơn 2 năm làm hướng dẫn cho những vị khách nước ngoài đã mang lại cho Phú những kiến thức khá bổ ích khi anh có được cơ hội khám phá nền văn hoá ẩm thực nước nhà. Giờ đây, khi hỏi Phú về những nhà hàng nổi tiếng, những món ăn đặc sản đất Hà Thành, anh có thể giới thiệu hàng giờ về nó. Anh bảo; Hà Thành có một kho tàng văn hoá ẩm thực phong phú tiêu biểu; như phở, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, Cốm Vòng… Nhưng với khách nước ngoài ấn tượng nhất vẫn là Phở. Bao giờ cũng thế, ngày đầu dẫn đoàn khách cũng yêu cầu chàng lùn giới thiệu về món Phở.

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe anh Phú kể mình đã từng chinh phục đỉnh Fansipan. Anh bảo, lên đến đỉnh thì dường như một nửa ước nguyện “đi khắp muôn nơi” đã thành hiện thực. Lần đi ấy, trời rét căm căm, những người bạn đi cùng đoàn biết anh không chịu được lạnh, nên đã cởi áo, bỏ mũ, đưa găng tay cho anh, và cùng nắm tay anh khám phá đỉnh núi. Qua mỗi chuyến đi, không chỉ vốn ngoại ngữ được nâng lên rất nhiều, mà anh còn thấy hiểu hơn về cuộc sống và con người trên những vùng miền khác nhau của Tổ quốc. Những người bạn nước ngoài gắn bó sau mỗi hành trình, khi phải chia tay anh đều để lại chân dung, địa chỉ và nước mắt.

Nghị lực vượt khó của chàng HDV Hà Thành

HDV Đinh Văn Phú trong một tour dẫn khách (ảnh: ĐSCT)

Với đam mê của nghề hướng dẫn, đam mê của sự học. Đinh Văn Phú đã không ngại ngần bước lên xe làm hướng dẫn cho khách mỗi khi có tour đi xa, dài ngày. Các điểm đến như Sapa, Tây Bắc với chàng lùn giờ đây không còn xa lạ. Với người hướng dẫn bình thường công việc dẫn khách lên vùng núi vào các thôn bản còn khá vất vả, nhưng với Phú, công việc này còn vất vả ngàn lần. Anh kể, trên đường đi nhiều lúc băng qua suối, nhiều vị khách đã tình nguyện phải bế anh qua. Hay những lúc trèo đèo, đá tai bèo lởm chởm, khách lại tình nguyện cõng anh trên suốt một chặng đường.

Với kinh nghiệm làm hướng dẫn cho khách, theo anh, nghề hướng dẫn không chỉ được đi đó đi đây, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mọi miền, được tiếp xúc với nhiều nền văn minh trên thế giới, được ở khách sạn “nhiều sao”, HDV DL còn thỏa sức thể hiện bản thân vì luôn là tâm điểm chú ý của cả đoàn… Thế nhưng, khi đã vào nghề, người chỉ nhìn ánh hào quang bên ngoài sẽ không bao giờ trụ được với nghề. Bởi cũng được đi đây đó nhưng trong khi khách du lịch được thư giãn ngắm cảnh, thưởng thức không gian thì người hướng dẫn phải căng mình ra, vận động liên tục, làm sao để truyền đạt những hiểu biết của mình về từng địa danh một cách sống động linh hoạt, làm sao để vừa lòng tất cả mọi du khách, làm sao để không khí chuyến đi luôn sôi động, hòa đồng.

Tôi muốn trở thành một giáo viên tiếng Anh giỏi để một ngày gần đây có thể dạy tiếng Anh cho những người có số phận kém may mắn như tôi. Họ cũng như tôi, cũng muốn tìm đến một chân trời mới, nhưng chưa có ai chắp cánh. Tôi sẽ dùng kiến thức vốn có của mình để giúp họ biến một phần ước mơ thành hiện thực. Họ sẽ không phải lúng túng như tôi những ngày trước kia. Xa hơn nữa, nếu có điều kiện tôi sẽ thành lập một văn phòng dành riêng cho những người lùn trên đất Việt. Và tôi đã chọn nghề hướng dẫn để nuôi dưỡng chắp cánh cho ước mơ này.

Trước cửa căn nhà diện tích chưa đến chục mét vuông trên đường Hàng Cót, anh Phú mở một quán nước với cái tên rất ấn tượng “Đi khắp muôn nơi”. Anh tâm sự: “Tôi muốn đi khắp muôn nơi bằng chính hiểu biết của mình”. Cho đến giờ, Đinh Văn Phú vẫn đang bước tiếp trên nẻo đường dài, mặc dù đích đến chỉ giản đơn là một cuộc sống hạnh phúc, bình dị, cuộc sống không còn những dằn vặt, day dứt, ám ảnh bởi những cái nhìn, những cách nghĩ thiếu thiện cảm từ cộng đồng.

Minh Phan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm