Nam sinh Bangladesh đoạt giải thưởng Hoà bình quốc tế dành cho trẻ em

(Dân trí) - Một thanh niên 17 tuổi người Bangladesh đã đoạt giải thưởng Hoà bình Quốc tế dành cho trẻ em năm 2020 cho việc phát triển một ứng dụng di động báo cáo các trường hợp bắt nạt trên mạng.

Ứng dụng di động được tạo ra với mục đích giáo dục nâng cao nhận thức về an toàn mạng cũng như báo cáo các vụ việc bắt bạt trên mạng dành riêng cho đối tượng thanh thiếu niên của chàng trai Sadat Rahman 17 tuổi ở huyện Narail (Bangladesh) đã vinh dự được nhận giải thưởng Hoà bình Quốc tế dành cho Trẻ em năm 2020.

Nam sinh Bangladesh đoạt giải thưởng Hoà bình quốc tế dành cho trẻ em - 1

“Cuộc chiến chống lại vấn nạn bắt nạt và quấy rối trên mạng cũng khó khăn và cam go không kém một cuộc chiến tranh trên thực địa. Và tôi chính là một chiến binh tham gia cuộc chiến đó”, Rahman phát biểu trong buổi lễ trao giải được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại thành phố Hague (Hà Lan) do ảnh hưởng bởi Covid-19.

“Nếu mọi người đoàn kết lại với nhau thì chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này”, Rahman nói, và thể hiện quyết tâm sẽ không dừng lại cho đến khi tình trạng bạo lực trẻ em trên không gian mạng hoàn toàn chấm dứt.

“Mô hình có thể áp dụng rộng rãi để bảo vệ trẻ em”

Rahman chợt nảy ra ý tưởng xây dựng ứng dụng điện thoại mang tên "Cyber Teens" sau khi nghe được câu chuyện về một nữ sinh 15 tuổi bị tấn công trên mạng đến nỗi phải tự tử vì không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào.

Theo đó, ứng dụng này sẽ giúp trẻ em có thể tiếp cận một cách dễ dàng với một nhóm tình nguyện viên trẻ, trong đó có cả Rahman, để tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị bắt nạt hoặc quấy rối trên mạng.

Ngay sau đó, vụ việc sẽ được chuyển đến cho cảnh sát và nhân viên công tác xã hội xử lý theo quy trình. Bằng cách này, các em sẽ cảm thấy tự tin hơn là việc phải trực tiếp đến trình bày tại đồn công an trong tình trạng tinh thần đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những kẻ quấy rối.

Ứng dụng này cũng cung cấp các thông tin cần thiết và hữu ích về cách tham gia mạng xã hội một cách an toàn, cũng như làm thế nào để tránh được những kẻ gạ gẫm trẻ em với ý đồ và mục đích xấu.

Nam sinh Bangladesh đoạt giải thưởng Hoà bình quốc tế dành cho trẻ em - 2
Giải thưởng kèm theo một khoản hiện kim trị giá 118.225 USD (tương đương 2.7 tỷ đồng) nhằm giúp cho người thắng cuộc đầu tư vào các dự án liên quan.

Rahman cho biết, cậu đang có kế hoạch nâng cấp ứng dụng này, và mở rộng phạm vi hỗ trợ thanh thiếu niên trên khắp đất nước Bangladesh.

“Em hy vọng mô hình này sẽ thành công và được nhân rộng ở những quốc gia khác trên thế giới”.

Siena Castellon, một nhà hoạt động xã hội người Ai-len, cũng là một trong 3 ứng viên lọt vào vòng chung kết của cuộc thi với trang web hỗ trợ học sinh mắc chứng tự kỷ và khuyết tật học tập ở mức độ nặng.

Cô bé Ivanna Ortega Serret 12 tuổi người Mexico là ứng viên cuối cùng của vòng chung kết với thành tích quyên góp được 1 triệu đô la Mỹ và thu thập 67.000 chữ ký trực tuyến với mục đích kêu gọi chống lại tình trạng ô nhiễm nước sinh hoạt ở thành phố thủ đô Mexico.

Giải thưởng dành cho những người trẻ dám dấn thân

Giải thưởng Hòa bình quốc tế dành cho Trẻ em là một giải thưởng thường niên được điều hành bởi Quỹ Kidsrights có trụ sở tại Hà Lan. Những chủ nhân của giải thưởng danh giá này trước đó là nhà hoạt động nhân quyền Pakistan Malala Yousafzai và nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển Greta Thunberg.

Nam sinh Bangladesh đoạt giải thưởng Hoà bình quốc tế dành cho trẻ em - 3
Sau khi Malala Yousafzai được trao giải thưởng này năm 2013, cô đã tiếp tục nhận được giải Nobel Hòa Bình một năm sau đó dành cho những nỗ lực đấu tranh vì quyền được đi học của trẻ em gái.

Phát biểu trong buổi trao giải hôm 13/11 vừa qua, Yousafzai đã ca ngợi những đóng góp của Rahman trong việc bảo vệ môi trường an toàn trên internet cho trẻ em.

“Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi mọi hành vi bạo lực ở bất cứ hình thức nào, cho dù đó là bạo lực thể chất hay tinh thần, trực tuyến hay trực tiếp”, Yousafzai nói. “Bắt nạt và quấy rối trên không gian mạng là hành vi vi phạm quyền trẻ em”.