Đại học Harvard sẽ làm gì với gần 42 tỷ đô la tiền tài trợ?

Lệ Thu

(Dân trí) - Tổng nguồn tài trợ của Đại học Harvard đã tăng 7,3% đạt 41,9 tỷ đô la khiến trường trở thành trường đại học giàu nhất thế giới cho đến nay. Vậy số tiền này sẽ được trường dùng làm gì?

Số tiền đó dùng để đảm bảo cho cơ sở hạ tầng của trường đại học được nâng cấp, đặc biệt các phòng nghiên cứu, trang thiết bị hiện đại đáp ứng cho nhu cầu dạy và học hiện đại, hỗ trợ hoạt động của tổ chức và duy trì việc cung cấp học bổng cho các sinh viên, nghiên cứu viên xuất sắc...

Và đặc biệt, khoản tài trợ sẽ giúp trường xoay xở trong tình trạng đại dịch Covid-19 gây nên tình trạng giảm doanh thu nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo trường thừa nhận, số tiền khổng lồ nói trên nhiều khả năng "vẫn không đủ lớn" để đảm bảo tất cả nhân viên của Harvard đều ở lại vị trí.

Larry Bacow, Chủ tịch Harvard, đã viết rằng trường có thể phải thực hiện “các hành động tiềm năng đối với lực lượng lao động”. Nói một cách dễ hiểu, đó là sa thải.

Đại học Harvard sẽ làm gì với gần 42 tỷ đô la tiền tài trợ? - 1
Đại học Harvard sẽ dùng tiền tài trợ phục vụ đảm bảo cơ sở hạ tầng, hỗ trợ hoạt động giảng dạy và cấp học bổng…

Một số nguồn tin cho rằng Đại học Harvard đã lên một kế hoạch cho nhân viên nghỉ hưu sớm và điều này khiến khoảng 700 nhân viên phải ra đi.

Giống như hầu hết các tổ chức và công ty lớn khác, đại dịch khiến các hoạt động tài chính không còn được như trước.

Ngoài ra, ĐH danh tiếng này được cho tiếp tục thắt chặt số lượng sinh viên nhập học, thậm chí chỉ chiếm khoảng 5% số đơn đăng ký.

Tỷ lệ chấp nhận của các trường con, bao gồm các chương trình y tế và MBA, cũng rất thấp với lý do "là một trong những chương trình danh giá nhất nước Mỹ và thế giới". Từ đó, trường chỉ chi "đúng trọng tâm" vào các sinh viên hoặc đề tài nghiên cứu thực sự có giá trị.

Cuối cùng, trường sẵn lòng tiếp nhận nguồn hỗ trợ của các cựu sinh viên, có giá trị hàng trăm triệu đô la mỗi năm. Trong 5 năm qua, trường đã nhận được những món quà khổng lồ từ các cựu sinh viên, có thời điểm lên tới 400 triệu đô la.

Dù vậy, theo Chủ tịch Bacow cho biết, giảng viên và sinh viên cần phải chuẩn bị cho “những quyết định khó khăn”. Tất cả nhằm tăng cường nguồn thu khác và hạn chế việc "lạm chi" từ khoản tài trợ 41,9 tỷ USD nói trên.