Yên Bái: Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo là một trong 6 mục tiêu được đặt ra trong Kế hoạch "Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030".

Để tăng tỷ lệ trẻ gái tham gia học tập ở các bậc học, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp nhằm tăng tỷ lệ tiếp cận giáo dục của trẻ em, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn.

Yên Bái: Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục vùng dân tộc thiểu số - 1

Những em nhỏ vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái).

Đến nay, tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 99%, tỷ lệ hoàn thành cấp THCS đạt 93%; tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 42%; tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt 42,49%; tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 26,47%.

Trong các khóa đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế không có sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Tỷ lệ nữ tham gia xây dựng các dự án, đề án khoa học chiếm khoảng 40% tổng số người tham gia. Tỷ lệ tiếp cận các khóa đào tạo về khoa học, công nghệ chiếm khoảng 50% cho mỗi giới.

Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt là bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, Bộ luật Lao động và các văn bản có liên quan về lao động GD-ĐT thông qua các hình thức phù hợp. Các cơ sở giáo dục đã chủ động lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong các hoạt động chuyên môn.

100% cơ sở giáo dục đã tổ chức triển khai các nội dung về bình đẳng giới cho cán bộ, giáo viên và học sinh đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số. Các trường học đã chủ động lồng ghép giáo dục phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vào nội dung, chương trình giảng dạy trong nhà trường; tổ chức các hoạt động truyền thông, tọa đàm về chủ đề ngăn chặn bạo lực học đường trên cơ sở giới...

Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực GD-ĐT sẽ tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới. 

Để tiếp tục tăng tỷ lệ trẻ em gái đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số tham gia các bậc học, tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp, chính sách như: tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, đề án, kế hoạch về phát triển GD-ĐT, quan tâm đến giáo dục vùng cao, giáo dục dân tộc; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển GD-ĐT nhằm tăng tỷ lệ trẻ em tham gia học tập ở các bậc học; thực hiện phân luồng, thu hút học sinh tham gia học tập ở các bậc học...

Ngoài giáo dục, thời gian qua công tác Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ phụ nữ đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số được tỉnh Yên Bái chỉ đạo sát sao, với nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể của Yên Bái đã chủ động xây dựng kế hoạch của ngành mình, hướng dẫn cấp cơ sở thực hiện công tác bình đẳng giới một cách đồng bộ. Các dự án về bình đẳng giới được lồng ghép trong các chương trình an sinh xã hội tại địa phương, trong nông nghiệp và phát triển nông thôn hay trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch... Điều này đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Yên Bái.