Xóa bỏ nếp nghĩ "chân yếu tay mềm" đối với các nhà báo nữ

Hà Hiền

(Dân trí) - Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh thực tiễn tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng hiện nay, có hơn 80% sinh viên là nữ đang theo học chuyên ngành Phát thanh - Truyền hình.

Để đáp ứng nhu cầu và bối cảnh thực tiễn báo chí đặt ra hiện nay, chiều 27/1, Khoa Phát thanh Truyền hình (PT-TH), Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã phối hợp với Viện tư vấn Phát triển kinh tế xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Định kiến giới đối với nhà báo nữ".

Buổi tọa đàm có sự góp mặt của các chuyên gia nghiên cứu và hoạt động về giới, lãnh đạo cơ quan báo chí, các giảng viên, một số cựu nhà báo, phóng viên và các em sinh viên đang học tập tại khoa PT-TH.

Xóa bỏ nếp nghĩ chân yếu tay mềm đối với các nhà báo nữ - 1
ThS Đinh Ngọc Sơn (ngoài cùng bên trái), Phó Trưởng khoa Phát Thanh Truyền hình điều phối tọa đàm.

Trong phát biểu mở đầu tọa đàm, PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng, Phó Trưởng khoa PT-TH cho biết: "Trong những năm gần đây, đa số sinh viên trúng tuyển vào khoa là nữ, thời điểm hiện tại, chỉ tính riêng hệ đào tạo đại học của Khoa PT-TH hiện có 1.157 sinh viên, trong đó có 921 nữ, chiếm 80%".

Ngoài ra, khoa còn đào tạo hệ cao học và tiến sĩ báo chí tryền thông và các hệ này tỉ lệ học viên nữ cũng thường nhiều hơn nam.

Các nhà báo thành danh từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong những năm gần đây rất đông đảo, trong số đó có rất nhiều gương mặt nhà báo nữ nổi bật.

Ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ: "Phụ nữ làm báo khó khăn và vất vả hơn nam giới vì bên cạnh công việc còn phải chăm lo con cái, gia đình. Tuy nhiên không phải phóng viên nữ là chân yếu tay mềm, nhiều mảng điều tra phóng viên nữ làm rất tốt, số lượng nhà báo nữ đạt các giải báo chí cũng rất nhiều".

Xóa bỏ nếp nghĩ chân yếu tay mềm đối với các nhà báo nữ - 2
Ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm.

Nguyên nhân gốc rễ của định kiến giới được bà Phan Thu Hương, quản lý Chương trình Bình đẳng giới của tổ chức Oxfam nhận định là xuất phát từ gia đình và cộng đồng.

"Con gái thường có xu hướng được bố mẹ định hướng theo học các môn xã hội, con trai thì phù hợp với các môn tự nhiên. Cũng chính từ định kiến giữa khả năng của nam và khả năng của nữ trong xã hội nó sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn nguyện vọng nghề nghiệp của các em", bà Hương bày tỏ.

Là cựu sinh viên trưởng thành từ khoa PT-TH, nhà báo Đan Lê chia sẻ thẳng thắn: "Học viện Báo chí và Tuyên truyền có truyền thống là có nhiều sinh viên nữ bởi đơn thuần đó là nguyện vọng của em sinh viên, còn khi đi làm ở các cơ quan báo chí, cơ hội được chia đều cho cả nam và nữ giới. Nữ giới cũng không cần phải gồng mình để cho giống với nam giới mà chỉ cần tập trung phát huy thế mạnh của mình".

Xóa bỏ nếp nghĩ chân yếu tay mềm đối với các nhà báo nữ - 3
Nhà báo Đan Lê chia sẻ những quan điểm về định kiến giới đối với nhà báo nữ.
Xóa bỏ nếp nghĩ chân yếu tay mềm đối với các nhà báo nữ - 4
Sinh viên đặt câu hỏi cho các khách mời tại tọa đàm.

Là sinh viên năm 3 đang theo học chuyên ngành Truyền hình, em Tô Phương Thảo bày tỏ: "Nghề báo đòi hỏi sự mạnh mẽ, cứng rắn và quyết liệt, mọi người thường nghĩ con gái là chân yếu tay mềm, tuy nhiên với đam mê và nhiệt huyết của bản thân thì em vẫn không hối hận với quyết định của mình. Sau khi ra trường vẫn em sẽ định hướng theo báo truyền hình".

Buổi tọa đàm đã củng cố các nhận thức rõ ràng về giới làm cơ sở vững chắc cho việc truyền thông nâng cao nhận thức tích cực của cộng đồng, làm cơ sở cho tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng công bằng, tiến tới thúc đẩy các sáng kiến truyền thông nhằm xây dựng bình đẳng trong xã hội.