Xe buýt sẽ như thế nào nếu có đường sắt đô thị Metro
(Dân trí) - Một hệ thống giao thông công cộng đáp ứng được tốt nhu cầu của người sử dụng phải là hệ thống có khả năng đưa người sử dụng đến mọi nơi mình muốn đến, tối ưu hóa về mặt thời gian.
Lấy ví dụ như Singapore, với dân số gần 6 triệu người, tổng một năm đón trên 17 triệu khách du lịch, mỗi ngày hệ thống đường sắt đô thị MRT của đất nước này phục vụ khoảng 3.2 triệu lượt hành khách. Có được điều này là do tính tiện lợi đặc biệt của hệ thống này: từ 3 tuyến metro chính, các ga trung chuyển (interchange) sẽ đưa bạn đến tiếp những điểm cần tới hoặc cho phép chuyển phương tiện một cách tiện dụng. Chỉ với chiếc thẻ với tên gọi Ezlink, người dùng có thể sử dụng ở khắp mọi nơi: đi taxi, xe bus, tàu đường sắt đô thị …
Tàu đường sắt đô thị ở Singapore
Còn với Hà Nội, hệ thống giao thông công cộng của thủ đô mới chỉ dừng lại ở xe buýt với hai loại hình là buýt thường và buýt nhanh BRT, chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Như vậy là chưa đủ để giải quyết được bài toán về giao thông công cộng cho thành phố với gần 8 triệu dân. Để giải quyết được vấn đề này, Hà Nội cần phải có sự đóng góp của hệ thống ĐSĐT.
Khi hoàn thiện, hệ thống này kết hợp với xe buýt được kì vọng sẽ trở thành xương sống của giao thông vận tải thành phố, kết nối và đồng thời nâng cao chất lượng các phương thức vận tải công cộng khác. Mạng lưới giao thông công cộng này sẽ tạo tính gắn kết, giúp việc đi lại giữa các khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện v.v… cũng như giữa đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh xung quanh trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn.
Cụ thể, với năng lực vận tải lên tới 30.000 hành khách/ giờ/ hướng, ĐSĐT sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển số lượng lớn, tuyến xa, và phát huy được ưu điểm sử dụng trục đường riêng: không bị ảnh hưởng bởi ùn tắc, ngập lụt (với mức ngập thấp hơn 60cm) hay các sự cố giao thông khác. Tàu sẽ luôn có mặt tại các điểm đến theo đúng lịch trình đã định. Hơn nữa do đặc điểm cấu tạo, nên tàu đường sắt đô thị có không gian rộng, tạo sự thư giãn cho người sử dụng. Phương tiện di chuyển êm với tốc độ cố định nên hành khách có thể thoải mái đọc sách, nghe nhạc, nghiên cứu tài liệu, hay có một giấc ngủ ngon trong suốt quãng đường di chuyển.
Tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn – Ga Nội dự kiến đưa vào vận hành năm 2022
Hệ thống buýt bao gồm buýt nhanh BRT với làn riêng và các xe buýt nhỏ hơn lại có ưu điểm ở sự linh động. Hành khách, đặc biệt là khách du lịch có thể ngắm cảnh phố xá trong thời gian di chuyển. Hệ thống xe buýt sẽ đáp ứng nhu cầu di chuyển quãng ngắn hoặc tới những địa điểm không nằm trên trục tuyến metro, và được phân cấp thành 3 loại: tuyến bus cấp 1 với năng lực chuyên chở khoảng 80 hành khách/ xe, tương ứng với 960 -1.920 hành khách/ giờ/ hướng, tuyến bus cấp 2 với năng lực chuyên chở từ 40-60 hành khách/ xe, tương ứng với 360 - 720 hành khách/ giờ/ hướng và tuyến bus cấp 3, nhỏ hơn, đi vào các đường nhỏ với năng lực chuyên chở khoảng 30 hành khách/ xe, tương ứng với 120-240 hành khách/ giờ/ hướng.
Với những ưu điểm riêng, hai phương tiện ĐSĐT và buýt sẽ bổ sung cho nhau, là cặp đôi hoàn hảo tạo nên một tổng thể giao thông công cộng hoàn chỉnh. Ngoài ra, sự hoạt động của hệ thống ĐSĐT có thể làm tiền đề cho chuỗi bản đồ di chuyển công cộng, bao gồm hệ thống nhà ga của hệ thống tàu kết hợp cùng tuyến và lịch trình của hệ thống buýt.
Theo đó, hành khách sẽ dễ dàng tối ưu hóa hành trình di chuyển ngay từ trước khi bắt đầu các chuyến đi. Không chỉ với người địa phương, ngay cả khách du lịch, trong một tương lai không xa có thể ngồi nhà tính trước chính xác thời gian rời nhà, ra ga lên tàu, xuống bến khớp với giờ bắt đầu lăn bánh của tuyến bus tiếp theo, cũng như tính toán cách chuyển giữa các tuyến bus trên hành trình để đến địa điểm cần tìm mà không bị hạn chế vì bất cứ lý do gì kể cả ngôn ngữ.
Sự ra đời của hệ thống tàu ĐSĐT, không chỉ là thêm một phương án lựa chọn cho người dân khi tham gia giao thông, mà còn là sự bổ sung để hoàn thiện hóa, tối ưu hơn nữa năng lực phục vụ của hệ thống xe bus hiện tại để tạo thành 1 cặp đôi hoàn hảo hỗ trợ nhau đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân thủ đô và khách du lịch. Hơn thế nữa, nó còn giúp Hà Nội bắt kịp với những thành phố phát triển khác của châu Á, thu hút thêm nhiều khách du lịch và nhà đầu tư đến với thủ đô ngàn năm văn hiến.