Vô tình cán chết con trai 4 tuổi: "Người mẹ có lỗi nhưng cũng đáng thương"
(Dân trí) - Theo luật sư Bùi Đình Ứng, người mẹ sẽ không được miễn trừ trách nhiệm hình sự dù bị hại trong trường hợp này là con đẻ của chị. Dù có lỗi song tình cảnh của người mẹ cũng hết sức đáng thương.
Người mẹ có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi bé N. T. A. M (SN 2017) chạy theo xe ô tô do mẹ điều khiển tại phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) hôm 21/11. Người mẹ - chị Nguyễn Thị D. (SN 1990, trú tại TP. Sông Công) trước đó xuống xe để mua sữa mà không biết con trai sau đó cũng xuống theo.
Trong lúc lên xe ô tô rời đi, bé M. đứng ngoài đã chạy đuổi theo xe và bị chính chiếc xe của mẹ đâm phải tử vong.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp này người mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì vi phạm Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Qua clip cho thấy em bé đã giật cửa xe ô tô nhiều lần nhưng không mở được rồi chạy vòng ra phía trước để đuổi theo chiếc xe dẫn đến tai nạn. Từ đó, luật sư Ứng phân tích, vụ việc trên không rơi vào trường hợp sự cố bất ngờ hay tai nạn thuộc về điểm đen giao thông.
Theo luật quy định, khi lên xe, người lái xe phải quan sát phía trước, quan sát gương chiếu hậu, thấy xung quanh, trước sau đủ điều kiện an toàn thì mới cho xe chuyển bánh. Thực tế có nhiều trường hợp trẻ em chui vào đầu xe ô tô đang đỗ để nghịch ngợm. Những lúc như thế, nếu không quan sát thì rất dễ xảy ra tai nạn chết người.
Trường hợp này người mẹ đã bất cẩn, không quan sát nên mới không phát hiện ra con đập cửa xe, chạy theo xe.
Theo luật sư Ứng, điều cơ bản của một người lái xe là khi lên xe phải chú ý quan sát.
Đơn giản như khi mở cửa xe cũng phải nhìn phía trước phía sau, không thấy có người đi tới mới được mở cửa để không va đập vào người hay phương tiện giao thông di chuyển trên đường. Khi mở cửa xe bất ngờ mà bị người khác đâm trúng thì không thể biện minh rằng "tôi không biết anh đang đi đến".
"Người mẹ có lỗi song cũng rất đáng thương"
Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, trong sự việc này, người mẹ cũng phần nào có lỗi. Song người mẹ cũng rất đáng thương bởi nạn nhân trong vụ tai nạn lại chính là con của chị ấy.
"Tôi nghĩ không cơ quan tố tụng sẽ đưa ra hình thức xử lý hợp tình hợp lý. Người mẹ mất đi đứa con đã xót xa rồi, giờ lại nếu phải đi tù thì lại là cả một vấn đề. Tuy nhiên, luật là luật.
Trong trường hợp này người mẹ vẫn có thể bị xử lý hình sự do vi phạm an toàn giao thông theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. Nguyên nhân là bởi, các vụ án tai nạn giao thông không thuộc vào "10 trường hợp chỉ khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại" (như hiếp dâm, cưỡng dâm, vu khống…).
Người mẹ có vi phạm sẽ vẫn bị xử lý. Chị cũng không được miễn trừ trách nhiệm hình sự dù bị hại trong trường hợp này là con đẻ của chị", luật sư Ứng phân tích.
Tuy nhiên, luật sư này cũng nhấn mạnh: "Đánh giá trên lỗi của người vi phạm thì thấy rằng đây là lỗi đáng thương hơn là đáng trách.
Tôi nghĩ cơ quan tiến hành tố tụng sẽ nhìn nhận vụ việc theo hướng nhân văn để đưa ra một bản án hợp tình hợp lý, đủ cảnh tỉnh giáo dục cho người mẹ cũng như những người tham gia giao thông khác".
Theo luật sư, trong vụ việc này không nên áp dụng các hình phạt quá cứng nhắc máy móc. Hình thức xử phạt cần mang tính giáo dục hơn là trừng phạt bởi với chị D. bản án lương tâm suốt đời mới là nặng nề nhất.
Những ngày tháng sau này, chắc hẳn người mẹ sẽ vô cùng day dứt bởi vì sự bất cẩn mà mình lại gây ra cái chết đau lòng của con.
Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau:
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng....