Vĩnh Long: Khoai lang đầy ruộng, cho cũng không có người đến lấy
(Dân trí) - Chỉ tính riêng chi phí thu hoạch thì mỗi công khoai nông dân phải bù lỗ 300 nghìn đồng, chưa kể mất trắng 20 triệu đồng chi phí ban đầu. Hiện nhiều nơi ở Vĩnh Long khoai đầy đồng cho không ai lấy.
Nước mắt ngập ruộng khoai
Hàng năm, cứ đến những tháng 5, nông dân khắp huyện Bình Tân (Vĩnh Long) rộn ràng mùa dỡ khoai. Bình Tân được coi là thủ phủ khoai lang cả nước, tổng diện tích trồng khoai khoảng 13.000ha, chiếm 2/3 diện tích trồng khoai toàn miền Tây, mỗi năm thu hoạch khoảng 40.000 tấn khoai củ.
Các năm trước giá khoai dao động từ 11.000đ đến gần 20.000đ/kg. Với giá đó, nông dân trồng 1000m2 (1 công) khoai, chi phí khoảng 20 triệu đồng thì sau nửa năm sẽ lãi từ 5 đến 10 triệu đồng.
Thế nhưng năm nay khoai rớt giá thê thảm, nếu khoai đẹp cũng chỉ bán được từ 600đ đến 800đ/kg. Thậm chí nhiều vùng không có thương lái đến thu mua, khoai quá thì vẫn nằm trên ruộng. Nhiều nông dân quyết định cho không ruộng khoai của mình, ai thích thì đến dỡ mang về.
Anh Trần Văn Minh (43 tuổi, ngụ xã Tân Thành) buồn rầu cho biết: "Tôi thuê 4 công (4.000m2) ruộng để trồng khoai, hợp đồng 3 năm. Tổng 2 năm rồi mỗi công lãi được 16 triệu đồng, năm nay mất trắng, lỗ 20 triệu đồng. Tính ra qua 3 năm mỗi công đất tôi thuê lỗ mất 4 triệu đồng, giờ phải làm lại đất để trả ruộng cho người ta".
Ngoài 4 công ruộng thuê, anh Minh còn 4 công ruộng nhà nhưng cũng không buồn thu hoạch nữa. Đầu vụ vợ chồng anh chi ra đến 160 triệu đồng để trồng khoai, nay còn phải bù thêm tiền cho người ta dỡ khoai đi nữa.
Trên đồng, những ruộng khoai mênh mông quá lứa thu hoạch lá đã chuyển sẫm màu. Những ruộng đã thu hoạch thì chỉ còn màu đất nâu thấm đầy "chua chát".
Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (38 tuổi, ngụ xã Tân Bình) làm nghề dỡ khoai thuê cho biết, năm nay chủ khoai phải lấy tiền nhà trả tiền công cho người làm, khoai không bán được. Người làm nghề dỡ khoai đã giảm giá hơn các năm rồi.
"Chủ ruộng không có ở đây đâu, sáng nay có chủ nhưng buồn quá họ về rồi, chỉ có chúng tôi thôi. Không lẽ đi làm không lấy tiền công, chứ nhìn người ta khổ thế cầm tiền cũng chẳng vui được", chị Tú nói.
Chính quyền địa phương "cầu cứu" giúp dân
Nhìn sự "đau khổ" của người dân, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND xã Tân Thành đã buộc phải gửi thư ngỏ cầu cứu đến công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Vĩnh Long kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ khoai cho nông dân.
"Dân khổ lắm, mỗi công đất thu hoạch khoai xong cũng chỉ bán được 2 triệu đồng, mà chi phí thu hoạch đã 2,3 triệu đồng rồi, chưa tính 20 triệu đồng bỏ ra trồng đầu vụ. Lỗ càng thêm lỗ, nhưng không dỡ khoai lại hỏng đất không trồng vụ sau được.
Tôi viết thư gửi đi thì người dân, doanh nghiệp khắp Nam Bắc cũng hưởng ứng, liên hệ lại nói rằng sẽ giúp. Nhưng bây giờ lại dịch bệnh, khâu vận chuyển vô cùng khó khăn, chúng tôi sẽ tìm mọi cách", ông Hoàng Anh nói.
Theo vị Chủ tịch xã, giống khoai địa phương trồng là khoai Tím Nhật, chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc. Các năm trước khoai xuất đi bằng container, nhưng năm nay khoai chỉ bán trong nước qua đường bưu điện từng bọc 5kg, 10kg, vô cùng khốn khó. Các năm trước mỗi ngày xã có thể xuất đi đến 30 container, nhưng năm nay tụt xuống còn 1/10, có ngày không đi được chuyến nào.
Cũng theo ông Hoàng Anh, củ khoai không thể bảo quản được lâu, trên huyện cũng không có kho bảo quản. Hiện toàn huyện đã nhiều lần tổ chức họp tìm cách tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên khó có một giải pháp tốt có thể giải quyết nhanh chóng vấn đề.
Anh Trần Văn Tiến, chủ vựa khoai Tân Vạn Tiến ở chợ Tân Thành cho biết trong vùng không có vựa nào có kho chứa cả, năm nay khoai không xuất đi được mà chỉ bán cho công nhân trong nước.
Bà Nguyễn Thị Tân, chủ kho khoai lang 68 có hơn 100 công nhân ở TX Bình Minh (Vĩnh Long) cho biết, ở thời điểm hiện tại chỉ còn một số doanh nghiệp trong vùng còn khả năng đưa khoai đi Trung Quốc.
Để duy trì việc làm cho công nhân, duy trì mối hàng và chia sẻ khó khăn với nông dân, mỗi ngày kho của bà xuất đi 2 container (tổng 64 tấn). Với chi phí hiện tại, mỗi ngày doanh nghiệp này chịu lỗ hơn 10 triệu đồng.
"Thương nông dân lắm, ngày nào cũng rất nhiều người gọi mình bảo cho cả ruộng, chỉ cần đến dỡ mang đi là được. Nói thật, với tình hình hiện tại, nếu sòng phẳng thì mỗi công ruộng nông dân phải trả thêm cho bên tôi 300 nghìn đồng thì mới đủ chi phí dỡ khoai, thế nhưng mình vẫn cho lại họ vài trăm nghìn đồng.
Nhìn họ khóc tôi cũng khóc theo. Tôi làm nghề cả mấy chục năm, khi lời, khi lỗ. Những lúc thế này phải chung tay với bà con", bà Tân nói.
Bà Tân khẳng định: "Nói Trung Quốc từ chối ăn khoai là sai, đúng là hiện nay đang là mùa khoai bên đó nên hàng mình sang không bán được giá cao, phải hạ giá chứ có sang bao nhiêu hàng cũng bán được. Mình không mua được cho nông dân giá cao là vì chi phí đưa hàng qua cửa khẩu quá đắt, 4 năm trước là 12 triệu đồng, rồi lên 100 triệu đồng, nay là 400 triệu đồng mỗi container.
Bà Tân cho biết bà và những người làm doanh nghiệp đang cố gắng tìm thị trường thứ 3 để xuất khẩu khoai, tuy nhiên mọi người đều mong muốn nhà nước sớm có giải pháp thông quan thì mới cứu vãn được nông dân.
Ngoài việc thông quan, theo bà Tân thì hiện nay đã xuất hiện các đoàn xe từ thiện đến mua khoai ở địa phương. Theo bà, các địa phương nên yêu cầu nông dân ký cam kết bán khoai chất lượng cho đoàn từ thiện hoặc chính quyền phải đứng ra làm trung gian để đảm bảo chất lượng. Tránh người từ thiện mua phải hàng kém chất lượng thì làm mất uy tín vùng khoai.