Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam: "Lạm dụng nước ngọt có gas có thể gây ảnh hưởng tới não bộ"

(Dân trí) - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, tiến sĩ Trương Hồng Sơn cho biết: Trẻ nhỏ, thanh thiếu niên sử dụng nhiều nước ngọt có gas chứa caffein thì có thể gây ra trạng thái kích thích hệ thần kinh trung ương. Lạm dụng nước ngọt có gas có thể gây ra một số tình trạng: Bồn chồn lo lắng; đau bụng; đau đầu; khó tập trung, khó ngủ; tăng nhịp tim; tăng huyết áp; quá nhiều caffein trong nước ngọt loại này cũng có thể sẽ gây mất nước bởi caffein có tác dụng như một chất lợi tiểu.

Để hiểu rõ hơn tác động đến sức khỏe của các sản phẩm nước ngọt có gas, chúng tôi đã cuộc trao đổi với TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.

Tác hại của nước ngọt có gas quá lớn

Thưa tiến sỹ, vừa qua Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị về việc cấm kinh doanh, quảng cáo nước ngọt có ga trong trường học, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS.BS Trương Hồng Sơn: Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định này của Thủ tướng, bởi đồ uống có cồn, có gas ít có giá trị dinh dưỡng đối với các em học sinh. Kiểm soát việc quảng cáo, kinh doanh đồ uống có cồn, có gas và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học là có thể thực hiện được nếu có các giải pháp cụ thể và có thể giúp một phần kiểm soát được loại sản phẩm này đến với trẻ em. Do vậy, tôi nghĩ đây là một chính sách tốt của chính phủ.


TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam

TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Có những nghiên cứu cho rằng việc lạm dụng nước ngọt có gas là một trong những nguyên nhân khiến trẻ thiếu canxi, ông đánh giá gì về những kết quả nghiên cứu này?

TS.BS Trương Hồng Sơn: Nước ngọt có gas thành phần chính (hơn 90%) là nước bão hòa CO2 (carbonate water), thành phần đứng thứ 2 là đường (7-12%). Ngoài ra có chứa các thành phần khác như caffein, màu thực phẩm, hương liệu…

Các nghiên cứu cho thấy lạm dụng nước ngọt có gas có thể gây thiếu canxi. Nước ngọt có ga có chứa rất nhiều phosphor. Cả phospho và canxi đều là những khoáng chất rất cần thiết cho xương và răng chắc khỏe, tạo năng lượng và tăng cường sức mạnh cho cơ bắp.

Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều nước ngọt có ga chứa phosphor có thể dẫn đến tình trạng thừa phospho. Thừa phospho còn có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng các khoáng chất khác của cơ thể như sắt, canxi, magie và kẽm. Phospho còn có thể kết hợp với canxi gây tích lũy các khoáng chất trong các bó cơ.

Ngoài ra, quá nhiều phospho có thể gây ngộ độc, dẫn đến tiêu chảy, xơ cứng các cơ quan và mô mềm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính về xương, thận và tim mạch.

Trước đây, tỷ lệ phosphor khuyến nghị trong tương quan với canxi là Ca/P=1:1 hoặc tối thiểu là 1:0.8, nhưng hiện nay theo khuyến nghị mới, thì cần bổ sung lượng phosphor phù hợp với hàm lượng khuyến nghị theo từng nhóm tuổi. Nhu cầu phosphor với người trưởng thành trên 20 tuổi là 700mg/ngày, trẻ dưới 10 tuổi là 500mg/ngày, trẻ 10-19 tuổi là 1250mg/ngày.

Không nên tiêu thụ phosphor nhiều hơn lượng khuyến nghị này, cũng đồng nghĩa với việc không nên tiêu thụ quá nhiều nước ngọt có gas.

Trẻ em trong giai đoạn dậy thì và tiền dậy thì lại là lứa tuổi đang cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Do vậy, uống quá nhiều nước ngọt có gas có thể gây nguy cơ thừa cân béo phì, thiếu vitamin khoáng chất, cũng như thừa phospho, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ.

Không chỉ gây thiếu canxi theo một số nghiên cứu, nước ngọt có gas gây chậm phát triển não bộ, nước ngọt có gas cũng gây ra giảm giấc ngủ của thanh thiếu niên, quan điểm của ông về những kết quả nghiên cứu này?

TS.BS Trương Hồng Sơn: Nhiều loại nước ngọt có gas có chứa một lượng caffein nhất định. Với những người bình thường và chỉ uống với một lượng vừa phải, thì lượng caffein này sẽ có tác động tích cực, giúp tinh thần tỉnh táo và nhiều năng lượng hơn. Nhưng với những người nhạy cảm với caffein, đặc biệt là trẻ nhỏ, thanh thiếu niên hoặc trong trường hợp tiêu thụ quá nhiều nước ngọt có gas chứa caffein thì có thể gây ra trạng thái kích thích hệ thần kinh trung ương.

Quá nhiều caffein có thể gây ra một số tình trạng: Bồn chồn lo lắng; đau bụng; đau đầu; khó tập trung, khó ngủ; tăng nhịp tim; tăng huyết áp; quá nhiều caffein cũng có thể sẽ gây mất nước bởi caffein có tác dụng như một chất lợi tiểu.

Do vậy, lạm dụng nhiều nước ngọt có caffein có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ của thanh thiếu niên.

Về việc nước ngọt có gas có thể gây ảnh hưởng đến não bộ thì còn nhiều tranh cãi quanh kết luận này. Nước ngọt có gas gây ảnh hưởng đến não bộ được cho là do lượng đường lớn (đặc biệt là đường fructose) có trong đó.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng những người uống nhiều đồ uống có đường thường có trí nhớ kém hơn, kích thước não nhìn chung là nhỏ hơn và có kích thước hồi hải mã nhỏ hơn (hồi hải mã là phần não bộ có liên quan đến quá trình học tập và ghi nhớ).

Cần có thêm nhiều hơn nữa các nghiên cứu để lý giải về cơ chế rõ ràng hơn của hiện tượng này. Tuy nhiên khuyến nghị của nhiều nghiên cứu đưa ra là nếu sử dụng thì không quá 3 lon/tuần để tránh gây các ảnh hưởng có thể có đến não bộ.

Cần thêm quy định kinh doanh buôn bán nước ngọt có gas

Rõ ràng nước ngọt có gas có thể gây tác hại lớn nhưng người tiêu dùng vẫn chủ quan, theo ông cơ quan quản lý nhà nước cần có những cảnh báo như thế nào để nâng cao nhận thức của người dân?

TS.BS Trương Hồng Sơn: Để nâng cao ý thức của người dân, có rất nhiều giải pháp. Trước hết, cần truyền thông để người dân hiểu và ý thức được về các mặt lợi – hại của nước ngọt có gas. Ngoài ra, cần có thêm các quy định, chính sách tổng thể về việc kinh doanh, buôn bán nước ngọt có gas, trước mắt là hạn chế việc sử dụng nước ngọt có gas trong nhà trường như Chính phủ đã đề ra.

Dịp Tết nhu cầu sử dụng nước giải khát rất lớn, ông có lời khuyên gì với người dân đặc biệt với gia đình có thói quen sử dụng nước ngọt có gas, có thói quen cho con sử dụng nước ngọt có gas?

TS.BS Trương Hồng Sơn: Đối với người dân nói chung và trẻ em nói riêng, nên hạn chế tiêu thụ nước ngọt có gas cũng như đồ uống có đường. Tuy nhiên, nếu ai đã lỡ có thói quen uống nhiều thức uống này nên giảm dần mức tiêu thụ, không nên cắt giảm hoàn toàn ngay trong một sớm một chiều. Cắt giảm đột ngột nước ngọt có gas với những người thường xuyên uống nhiều có thể sẽ gây ra hội chứng cai do lượng caffein bị cắt giảm đột ngột.

Đối với những người có thói quen uống nhiều nước ngọt có gas trong một ngày, thì đầu tiên, nên giảm số lượng nước ngọt uống trong ngày (ví dụ từ 2-3 lon/ngày xuống còn 1 lon/ngày). Duy trì việc này trong 2 tuần. Sau đó sẽ giảm tiếp xuống còn 3 lon/tuần, và giảm dần tiến tới việc không uống nước ngọt có gas nữa.

Thay vì sử dụng nước ngọt có gas theo ông người dân nên chọn sản phẩm nước giải khát nào để sử dụng hàng ngày cũng như trong dịp Tết?

TS.BS Trương Hồng Sơn: Ngày tết, rất khó để hoàn toàn không sử dụng nước ngọt có gas. Tuy nhiên, điều quan trọng là nên hạn chế lượng nước ngọt có gas tiêu thụ trong suốt dịp tết. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên uống nước ngọt có gas, trẻ em không nên uống quá 200ml/ngày, người lớn không nên uống quá 3 lon/tuần.

Ngoài nước ngọt có ga, có thể thay thế bằng các loại đồ uống khác có lợi cho sức khỏe hơn như trà, nước thảo mộc, nước hoa quả, nước lọc. Có thể thêm vài lát chanh để thêm hương vị cho nước lọc. Không nên sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn, có gas.

Xin cảm ơn ông!

Minh Ánh