Về quê tha hồ “săn”… rau sạch
(Dân trí) - Với nhiều người xa quê, dịp Tết là lúc được thưởng thức các loại món ăn truyền thống, đặc biệt là rau nhà, gà vườn một cách thoải mái nhất mà không lo ngại đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những ngày Tết, chúng tôi có dịp đến thăm nhiều gia đình ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh bánh kẹo, dưa, mứt ngày Tết, nhà nào cũng thếch đãi khách bằng những món ăn truyền thống như mì Quảng, gà tre bóp muối tiêu, cá tràu đồng hấp bầu, bánh tráng quấn thịt heo nhà nuôi… Trong những món ăn dân dã ấy, không thể thiếu những đĩa rau xanh mướt do chính chủ nhà trồng.
Rau xà lách, chuối non, dưa leo, giá đỗ hợp thành đĩa rau ngon, sạch mà ai cũng thích
Anh Trần Ngọc Hiền, ngụ xã Quế Minh (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, gia đình anh lên kế hoạch đón Tết ít nhất… 6 tháng trước đó. Lý giải về khoảng thời gian dài này, anh Hiền cho rằng, với người dân quê, giàu nghèo gì thì cũng là ba ngày Tết. Gia đình nào cũng cố gắng dành dụm để cho cái Tết chu đáo, sung túc, đầy đủ nhất. Vì thế, trước Tết 6 tháng, vợ chồng anh Hiền đã chuẩn bị lứa heo mới để không chỉ xuất chuồng đúng dịp Tết mà có ít nhất một con heo để thịt cúng Tất niên và đãi khách trong ngày Tết. Bên cạnh đó, anh Hiền cũng rào lại khu vườn để trồng rất nhiều loại rau như cải xà lách, cải cay, hành ngò, diếp cá…
Bên cạnh nhà anh Hiền là vườn rau của ông Trần Đa cũng đang xanh mơn mởn. Ông Đa cho biết, để trồng được vườn rau sạch cũng lắm công phu. Từ tháng 9 âm lịch đến Tết nguyên đán là khoảng thời gian mà thời tiết ở nơi đây khắc nghiệt nhất. Nếu không chú trọng giống thì hạt không ra mầm, rau bị sâu ăn lá vì thời tiết lạnh. Khi luống cải đang xanh mơn mởn thì cũng có thể bị dập nát sau một cơn mưa. Cũng có khi nếu không rào kỹ xung quanh thì gà, vịt, ngỗng… vào tấn công, trong chốc lát, luống rau trụi lá.
Điều đặc biệt làm cho cây rau ở những vườn này có giá trị chính là không có “tẩm, phun” bất kỳ loại thuốc, hóa chất nào trong quá trình sinh trưởng. “Cây rau ở đây phát triển tự nhiên như chính sự bình dị, chân chất như con người nơi đây vậy đó. Chúng tôi nghe nói ở phố thị rau muống cũng bị bón bằng luyn nhớt, chất kích thích gì gì đó chứ ở đây chúng tôi tuyệt đối không biết cách trồng rau như vậy và không ai làm như thế cả. Trồng rau nhà ăn, cho con cháu mình về quê ăn, cho đồng loại mình dùng mà sao nỡ làm như vậy được”, ông Đa nói.
Bà Phạm Thị Tý ở thôn Thắng Đông 1, xã Quế An vì phải vào TPHCM chăm cháu nên không trồng được rau như những năm trước. Những ngày giáp Tết, bà làm nhiều thùng giá đỗ thay rau. Bà Tý gánh cát dưới sông đổ vào những thau, chậu rồi vùi các hạt đậu xanh trong cát. Chỉ cần rưới qua làn nước nhẹ và đậy kỹ, không để ánh nắng lọt vào thì vài ba ngày sau, gia đình bà đã có rổ rau giá đỗ “nguyên chất 100%” để ăn.
Không chỉ nhà anh Hiền, ông Đa trồng rau ở vườn, nhiều gia đình còn trồng rau ở trên cánh đồng ruộng, theo bãi bồi hai bên bờ sông. Rau trồng ăn không hết, nhiều nhà mang ra chợ bán kiếm thêm tiền để mua cá, thịt về ăn.
“Tết là lúc cái gì cũng lên giá. Rau cũng lên giá vì thời tiết khắc nghiệt, rau khó trồng. Bó rau cải cũng đã 10.000 đồng, 1 tép rau thì ngò cũng 5.000 đồng… Thôi thì, mình trồng, mình ăn cho đỡ tốn tiền, lại không lo ngại rau bẩn”, bà Tý tâm sự.
Rau ngò, hành dùng để trang trí cho nồi cháo gà, tô mì Quảng thêm thơm, bắt mắt. Rau thân cây chuối non, cải cay, xà lách, giá đỗ… dùng cho các món cá hấp, thịt heo quấn bánh tráng, bún giò heo…
Những người con làm ăn xa về quê đón Tết, không ai không thích những đĩa rau xanh, sạch và tuyệt đối an toàn này. “Ngán ngẩm cá thịt lắm rồi. Với lại, ở Sài Gòn, ăn cái gì cũng sợ nhiễm độc. Rau cũng không an toàn. Về quê, được ăn rau sạch thế này thì quá thích”, anh Trung, một người con xứ Quảng đang làm việc tại TPHCM tâm sự.
Nhiều chủ nhà đã dùng rau sạch do chính mình trồng làm quà biếu khách. Không ít người trước khi vào lại TPHCM hay ra Đà Nẵng làm việc, trong mớ hành lý lỉnh kỉnh của mình không thể thiếu những bao rau sạch do chính ba mẹ hay người thân mình trồng.
Công Quang