Vẫn còn người dân thiếu ý thức, cố tình vứt rác thải xuống sông
(Dân trí) - Ngay từ sáng sớm 23 tháng Chạp, rất nhiều tình nguyện viên của chiến dịch “thả cá đừng thả túi ni-lông” đã tới cầu Long Biên, tuyên truyền cho người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người dân thiếu ý thức, cố tình vứt túi ni-lông xuống sông Hồng.
Theo phong tục của người Việt, vào ngày 23 tháng Chạp, Âm lịch, người dân thường thả 3 con cá chép xuống sông, hồ hoặc ao để tiễn ông Công, ông Táo về trời, báo cáo với Ngọc Hoàng về những sự việc xảy ra trong năm cũ.
Năm nay, chiến dịch “thả cá, đừng thả túi ni-lông" năm thứ 7 tiếp tục được tổ chức và thu hút rất đông học sinh, sinh viên tham gia với vai trò là tình nguyện viên.
Theo tìm hiểu của PV báo Dân trí, từ 6 giờ sáng ngày ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), trên 2 đầu cầu Long Biên đã có hàng chục tình nguyện viên của chiến dịch “thả cá đừng thả túi ni-lông” đến tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ môi trường.
Nhóm tình nguyện viên sẽ có 3 nhiệm vụ chính. Một nhóm sẽ chủ động tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường, không vứt túi ni-lông xuống lòng sông. Nhóm thứ 2 có nhiệm vụ thu gom túi ni-lông và chuyển xuống khu vực chân cầu.
Nhóm thứ 3 đứng ở chân cầu Long Biên, có nhiệm vụ thả tro, bát hương xuống sông. Tất cả túi ni-lông sẽ được gom lại và đưa về trung tâm xử lý chất thải của Hà Nội.
Bạn Hải Yến, sinh viên trường Đại học Thủ Đô cho biết, đây là năm thứ 2, tham gia chiến dịch đầy ý nghĩa này: “Năm nay, bọn em bắt đầu chương trình từ hôm thứ 4 (15/1). Mỗi người một ca trực, từ 6 giờ sáng, tới 7 giờ, 8 giờ tối thì về nghỉ ngơi”.
Nói về khó khăn trong chương trình “thả cá đừng thả túi ni-lông”, Hải Yến cho biết, ý thức của nhiều người Việt vẫn còn kém:
“Ở cầu Long Biên, bọn em phân công cứ 3 - 4 m lại có một bán đứng tuyên truyền người dân đừng vứt túi ni-lông xuống sông, tuy nhiên vẫn có nhiều người cố tình ném túi ni-lông xuống. Thậm chí, nhiều người khi thấy bọn em đứng nhắc nhở, còn quay lại mắng, tỏ vẻ khó chịu”, bạn Yến nói.
Đồng tình với ý kiến của Hải Yến, bạn Thành Đạt cho biết, sau 7 năm tổ chức chương trình này, nhiều người đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, số lượng rác thải, túi ni-lông giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân thiếu ý thức: “Nhiều người đi ngang qua, tiện tay ném túi ni-lông xuống luôn, bọn mình không kịp ngăn cản”.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc vứt túi ni-lông xuống sông, hồ tùy tiện sẽ bị phạt từ 5 - 7 triệu đồng, tương đương 1 tháng lương của công chức.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 7 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, sẽ phạt từ 01 - 02 triệu đồng đối với các hành vi đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường;
Hoặc để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.
Bên cạnh Nghị định 167, Chính phủ còn ban hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường lại quy định mức phạt nghiêm khắc hơn lên đến 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi: “Vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị”
“Dù có 2 Nghị định xử phạt về cùng một hành vi tương tự nhau nhưng được biết thông thường trên thực tế, quy định tại Nghị định 155 được áp dụng nhiều hơn vì có tính răn đe cao hơn”, luật sư Cường nói.
Việt Vũ