Ứng xử thế nào khi con xem nội dung không phù hợp trên mạng xã hội?

Ngọc Linh

(Dân trí) - Các bậc cha mẹ khó có thể thường xuyên kiểm soát những gì con bạn xem trên mạng xã hội. Nhiều nội dung có phần tục tĩu, phản cảm dù đã hạn chế độ tuổi nhưng các em nhỏ vẫn dễ dàng tiếp cận.

Cha mẹ có trách nhiệm định hướng con cái

Chị Phan Thị Phượng ( Chính Kinh, Hà Nội) cho biết: “Mạng xã hội bây giờ không khác gì một nồi lẩu thập cẩm. Nội dung tốt có, xấu có. Hàng triệu đứa trẻ giống con mình cũng đang được tiếp cận với điện thoại thông minh và hàng ngày theo dõi các nội dung trên mạng xã hội”.

Dạo gần đây,vấn đề streamer văng tục, chửi thề trên mạng xã hội cũng khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu. Chị Phượng cũng cho rằng, điều này gây ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của trẻ em nếu tiếp cận những nội dung như thế.

Ứng xử thế nào khi con xem nội dung không phù hợp trên mạng xã hội? - 1
Chị Phượng luôn dành thời gian cùng con giải trí trên mạng xã hội

Chia sẻ về cách định hướng con tới các nội dung phù hợp khi xem mạng xã hội, chị Phượng cho biết: “Mình luôn trò chuyện và dành nhiều thời gian cùng con theo dõi các nội dung trên mạng xã hội. Như vậy mình sẽ gần gũi với con hơn và lại có thể định hướng cho con xem nội dung phù hợp”.

Mỗi khi con tò mò hoặc vô tình chị thấy con xem video “văng tục, chửi bậy” chị đều giải thích rằng đây là những nội dung không phù hợp và gây ảnh hưởng tới con.

Văng tục trên mạng xã hội dưới góc nhìn của chuyên gia văn hóa

Chuyên gia Văn hóa, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng: “Thực chất, bên cạnh những từ ngữ thông dụng, hiểu theo nghĩa tích cực là các mỹ từ, thì trong tiếng Việt luôn tồn tại song song với nó là những các "tục từ" và rất nhiều dạng/loại từ khác nữa...”.

Ứng xử thế nào khi con xem nội dung không phù hợp trên mạng xã hội? - 2
Mạng xã hội không thể thiếu trong đời sống hiện nay.

Từ khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, nó đã làm thay đổi cuộc sống của xã hội Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung. Việc có những streamear thường xuyên có những clip có ngôn ngữ tục tĩu - chửi thề, đương nhiên là có ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống cộng đồng, đặc biệt nó tác động xấu tới giới trẻ hiện nay. Nhất là nhóm trẻ còn đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách và nhận thức cũng như trình độ học vấn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho những streamer hay các clip của họ trên không gian mạng, bởi con người (trong đó có giới trẻ) còn tiếp xúc tới các môi trường khác nhau ngoài không gian mạng, như: gia đình, bạn bè, cộng đồng xã hội... 

Nhưng do sự phát triển quá nhanh của công nghệ thông tin - không gian mạng, giới trẻ hiện nay có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn, nên những clip có nội dung nhạy cảm nhanh chóng được lan truyền một cách chóng mặt và dễ cho mọi người tiếp cận. Những streamer với những clip có nội dung ngôn từ tục tĩu, chửi thề, trái thuần phong mỹ tục..., chính là một trong những nguyên nhân chính tác động xấu có tính chất tiêu cực tới giới trẻ hiện nay. 

Giải pháp nào là phù hợp?

Chúng ta không thể cấm được con cái sử dụng công cụ thông minh như: điện thoại, máy tính, máy tính bảng... để thâm nhập vào không gian mạng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Vậy việc kiểm soát các em sử dụng cần phải được thực hiện bằng các giải pháp khác nhau, các giải pháp này còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh và đời sống văn hóa cụ thể của từng gia đình.

Ứng xử thế nào khi con xem nội dung không phù hợp trên mạng xã hội? - 3
Cha mẹ cần lắng nghe, chia sẻ với con nhiều hơn để định hướng trẻ theo dõi các nội dung phù hợp.

Khi nhận được câu hỏi làm thế nào để các bậc phụ huynh định hướng cho con cái tránh những nội dung tục tĩu trên không gian mạng, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến chia sẻ: “Về phương diện cá nhân, tôi đưa ra một trường hợp của gia đình khi kiểm soát con cái sử dụng không gian mạng: Thứ nhất, các con chỉ được sử dụng vào những thời điểm nhất định trong ngày; khi sử dụng bố mẹ phải được biết con đang xem - nghe nội dung gì?

Thứ hai, phản ứng của phụ huynh khi nhận ra con tiếp cận các clip hay trang web ko phù hợp, thì ko nên gay gắt cấm đoán hoặc làm ầm ĩ lên, mà cần có những khuyên giải hoặc dùng những câu chuyện thực tế để trẻ tự nhận thức là không nên vào xem - nghe những nội dung xấu đó. Việc cấm đoán của phụ huynh lại càng kích thích vào tính tò mò của con cái.

Thứ ba, tùy thuộc vào từng lứa tuổi, trạng thái tâm lý của con cái mà chúng ta có thể nới lỏng đến đâu mức độ kiểm soát, nhưng luôn chủ động nói chuyện - hướng dẫn con cái để chúng biết phân biệt tốt - xấu, phải - trái.

Thứ tư, cho con cái đi ra ngoài nhiều hơn (các hoạt động của gia đình, chơi thể thao, giao lưu với bạn bè...), yêu cầu con cái làm nhiều việc nhà hơn, tạo ra các hoạt động khác nhiều hơn (vẽ tranh, lắp giáp đồ chơi, nghe nhạc, trồng cây, nuôi động vật, khuyến khích đọc sách truyện...) thay cho việc ngồi vào máy tính, điện thoại để lướt web...”.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm