Nghệ An:

Tỷ phú làng biển 9X kể chuyện làm giàu

(Dân trí) - Khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, học hỏi khắp nơi, chàng trai trẻ Ngô Trí Nguyên (SN1990, xã Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An), đã có trong tay một gia tài đồ sộ với đội thuyền đánh cá công suất lớn và chuỗi các dịch vụ hậu cần nghề cá cho thu nhập bạc tỷ mỗi năm.

Anh Nguyên với những kế hoạch mới (Ảnh: Như Sương)
Anh Nguyên với những kế hoạch mới (Ảnh: Như Sương)

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn chia sẻ kinh nghiệm, tạo việc làm ổn định cho gần 30 công nhân. Anh Nguyên cũng là người “thổi lửa” cho phong trào thanh niên bám biển làm giàu, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Khát vọng làm giàu

Một chiều tháng Năm với những đợt gió khô nóng mang theo vị mặn của nước biển thổi về khiến tiết trời càng thêm phần khắc nghiệt. Chạy vòng theo con đê biển dẫn về cửa Lạch Vạn qua khu chợ, tấp nập những đám người ra vào phân loại, thu mua cá tôm từ chuyến tàu vừa cập bến. Kẻ cân hàng, người thu tiền ,... cứ rôm rả, ồn ào cả góc chợ. Phía xa cuối cảng cá, vài tốp người đang ngồi vá lưới, sửa soạn ngư cụ để chuẩn bị cho một chuyến đi dài ngày mới.

Hỏi thăm về nhà anh Ngô Trí Nguyên, người sở hữu hai chiếc tàu cá công suất lớn và chuỗi dịch vụ hậu cần nghề cá nhất nhì ở cửa Vạn, chúng tôi được người dân nơi đây nhiệt tình chỉ đường và không quên lời khen thưởng dành cho anh với phong trào thanh niên bám biển làm giàu, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Anh Nguyên chia sẻ cách làm nước mắm của mình. Anh cho biết, mỗi năm anh bán ra thị trường khoảng 2000 lít (Ảnh: Như Sương)
Anh Nguyên chia sẻ cách làm nước mắm của mình. Anh cho biết, mỗi năm anh bán ra thị trường khoảng 2000 lít (Ảnh: Như Sương)

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu “bí quyết” làm giàu của mình, anh Nguyên niềm nở tiếp đón, chia sẻ kinh nghiệm mà anh chắt lọc được suốt nhiều năm qua. “Gia đình mình có nhiều đời làm nghề khai thác hải sản trên biển với đội tàu đánh bắt lên tới 5, 6 chiếc. Song, cuộc sống của nghề “độc ngư” cũng chẳng mấy khấm khá vì đội tàu công suất nhỏ của nhà chỉ đánh bắt được vùng gần bờ. Nguồn hải sản vùng ven mỗi ngày một cạn dần khiến thu nhập từ nghề đi biển chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống cho gia đình. Trong khi đó là sự bấp bênh của nghề do phụ thuộc vào thời tiết”.

Những điều đó khiến anh càng thêm suy nghĩ, trăn trở phải làm sao tìm hướng đi mới để vừa có thể giữ được nghề gia truyền, vừa có được cuộc sống khá giả hơn, không còn bấp bênh. Và với sự nhiệt huyết, táo bạo của tuổi trẻ, lại có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau, sau khi hoàn thành chương trình THPT, anh quyết định không theo học đại học để dành thời gian cho những dự định của mình.

Với kinh nghiệm sau nhiều năm làm nghề đánh bắt hải sản trên biển của cha và ông để lại, việc chỉ huy đội tàu vượt sóng gió, vươn khơi đánh bắt hải sản không quá khó khăn với anh. Song, đội tàu có công suất 60 CV của gia đình chỉ có thể đánh bắt ở vùng gần bờ với những chuyến ngắn ngày.

Kho đá lạnh vừa nhằm phục vụ cho gia đình, vừa cung ứng cho bà con ngư dân trong vùng Cửa Vạn (Ảnh: Như Sương)
Kho đá lạnh vừa nhằm phục vụ cho gia đình, vừa cung ứng cho bà con ngư dân trong vùng Cửa Vạn (Ảnh: Như Sương)

Theo phân tích của anh Nguyên, nếu duy trì đội tàu công suất nhỏ này có nghĩa sẽ phải đầu tư chi phí cho mỗi chuyến đi biển lớn trong khi tiền lãi thu về chẳng được bao nhiêu. Và hoàn toàn dựa vào may mắn, không ít chuyến tàu trở về sạch lưới... Điều đó khiến anh có định hướng sẽ không hoàn toàn là khai thác từ biển mà sẽ phát triển các loại hình phụ trợ trên bờ.

Đến năm 2015, sau nhiều lần cân nhắc, nghiên cứu các phương án tương thích đối với điều kiện của mình, anh quyết định bán 6 chiếc tàu nhỏ để lấy vốn đóng mới 2 chiếc tàu lớn có công suất 650CV gồm NA-96999Ts và NA-96888Ts. Với loại tàu này, anh có thể đi đánh bắt ở các vùng biển xa bờ với thời gian kéo dài hàng tháng trời.

Không dừng lại ở đó, trước tình trạng cá, tôm đánh bắt về phải tự lo nơi tiêu thụ, nhiều lần bị ép giá khiến giá trị mỗi chuyến đi biển bị giảm sút. Anh quyết định đầu tư cơ sở chế biến nước mắm sạch với mục đích nâng cao giá trị sản phẩm và hạn chế tình trạng phụ thuộc vào thương lái.

Ngoài ra, để chủ động cho các chuyến đánh bắt xa bờ, nhất là các chuyến đi tận ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa, anh vay vốn đầu tư thêm kho dầu và kho cấp đá lạnh ngay tại chân cảng Lạch Vạn. Vừa để phục vụ cho đôi tàu của gia đình, vừa đáp ứng nhu cầu của bà con ngư dân trong vùng.

Kiếm bạc tỷ mỗi năm

Với nhiệt huyết tuổi trẻ cùng đam mê làm giàu không có điểm dừng, đến đầu năm 2017, sau khi được tiếp cận Nghị định 67 - hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép công suất lớn, anh quyết định đầu tư đóng chiếc tàu vỏ thép có công suất 850CV với số vốn 22 tỷ đồng, dự kiến tháng 7/2017 sẽ cho tàu hạ thuỷ.

Theo anh Nguyên, đây cũng là quyết định khá mạo hiểm vì giá trị con tàu quá lớn trong khi nguồn vốn đi vay chiếm hơn 90%. Tuy nhiên, nếu muốn vươn khơi xa, đánh bắt được những loài hải sản có giá trị thì phải có tàu to, máy lớn, đi được những chuyến dài ngày.

Tàu cá bà con ngư dân trong vùng Cửa Vạn (Ảnh: Như Sương)
Tàu cá bà con ngư dân trong vùng Cửa Vạn (Ảnh: Như Sương)

Khi được hỏi về những khó khăn, anh cho biết: Điều khiến anh cảm thấy vướng mắc nhất lúc này chính là sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng, đặc biệt là việc luồng lạch khu vực Cửa Vạn bị bồi lắng cản trở việc phát triển nghề đánh bắt xa bờ. Các tàu của anh từ lâu đã phải chuyển về cửa Quèn (cảnh Lạch Quèn) để neo đậu khiến chi phí mỗi chuyến đi tăng lên từ 25-30 triệu. Bên cạnh đó, tại bến “lạ”, tàu của anh phải bán tôm cá với giá rẻ hơn các tàu trong địa phương và hay bị tư thương ép giá.

Với sự năng động, nhạy bén và tinh thần ham học hỏi, những kế hoạch của anh Nguyên sau nhiều năm đã đem về những thành quả xứng đáng. Đó là nguồn thu nhập ổn định từ sản phẩm nước mắm sạch với số lượng 2.000 lít mỗi năm.

Đôi tàu công suất 650 CV, tuy phải phụ thuộc vào con sóng nhưng với những khoang tàu đầy ắp cá tôm, anh cũng thu về một khoản tiền không dưới 1 tỷ đồng mỗi chuyến đi dài từ 10-15 ngày. Riêng, kho cấp đá lạnh và kho dầu nơi chân cảng hiện đang được anh nâng cấp hứa hẹn sẽ phục vụ cho nhu cầu của toàn bộ các tàu thuyền ở cảng Lạch Vạn. Ước tính, tổng thu nhập từ hàng năm của anh Nguyên luôn đạt từ 1,4 -1,5 tỷ đồng. Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các ngư dân trẻ làm kinh tế, anh Nguyên còn tạo việc làm ổn định quanh năm cho 27 công nhân và 15 công nhân thời vụ.

Nhận xét về sự sáng tạo, vượt khó vươn lên làm giàu của anh Nguyên - Bí thư đoàn xã Diễn Ngọc, Nguyễn Hữu Thuận đánh giá: Anh Ngô Trí Nguyên là một đoàn viên trẻ, năng nổ, sáng tạo, biết nắm bắt thời cơ để làm giàu. Đặc biệt, anh là người khơi nguồn cho phong trào thanh niên đem sức trẻ vượt biển lớn, thể hiện trách nhiệm đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...

Như Sương