Túng quẫn tuổi xế chiều, cụ bà liều dựng lều sống cùng 5 ngôi mộ người thân
(Dân trí) - Không chịu được áp lực tiền mướn nhà trọ 2 triệu đồng/tháng, bà Lý Ngọc Anh (71 tuổi) quyết định dựng nhà ngay trên những ngôi mộ của người thân để chung sống suốt 5 năm qua.
Tiếng là dựng nhà, nhưng bà Anh chỉ xây cao thêm bức tường phía trước. Ba mặt còn lại tận dụng tường của hàng xóm rồi lợp mái tôn bên trên. Căn nhà lụp xụp chỉ rộng hơn 20 m2, nằm lọt thỏm giữa khu dân cư trong con hẻm trên đường Đồng Tâm, huyện Hóc Môn.
Ban đầu, khuôn viên nhà có 5 ngôi mộ, tất cả đều là người thân của bà Anh. Từ cửa chính nhìn vào, hiện vẫn còn 2 cái, một của đứa con mất hơn 30 năm nay và một của người cháu.
Bà Anh cho biết: "Đứa con gái mất khi mới 4 tuổi. Sau có người cháu nhỏ cũng qua đời, được cha mẹ chôn cạnh mộ con gái tôi. Sau nhiều năm di chuyển ở chỗ này chỗ khác để làm ăn, hai bên đều không biết phần mộ nào là của con mình nên không dám bốc mộ, lấy không gian làm nhà".
Cạnh 2 ngôi mộ, bà Anh đặt bàn thờ, đặt tủ quần áo. Chưa hết, thi thoảng còn kê đầu lên mộ để nằm nghỉ.
Anh Bình, một người họ hàng xa đồng thời là hàng xóm của bà Anh cho biết, mẹ của anh và mẹ bà Anh là chị em ruột. Phần đất để chôn cất người thân mà bà Anh đang ở ngày xưa thuộc sở hữu của gia đình anh Bình. 5 năm trước, thấy bà Anh già yếu, con cái không phụng dưỡng lại còn nuôi cháu nên tôi mở lời cho bà về đó dựng chòi ở để bớt chi phí.
"Người mất cũng mất lâu rồi, giờ họ sao mình đâu có biết. Thấy người còn sống khổ quá thì phải ưu tiên", anh Bình nói.
Để có không gian đặt chiếc giường ngủ, bà Anh buộc phải bốc mộ người chồng và chị gái cạnh đó lên. Phần tro cốt được cho vào hũ, đặt trên một cái kệ ở gần giếng nước sau nhà. Cạnh đó cũng đang có mộ phần của bà ngoại bà Anh. Bà tâm sự, sở dĩ vẫn để nguyên phần mộ này là bởi mảnh đất này ngày xưa là của ngoại.
Người phụ nữ 71 tuổi cho biết, bản thân không sợ khi phải sống chung cùng những ngôi mộ. Bởi theo bà, đó đều là người thân của mình và đã qua đời từ rất lâu rồi.
Tuy nhiên, có một lý do khác khiến bà Anh không còn lựa chọn nào khác là vì bà không đủ khả năng mướn nhà trọ nữa.
"Có chỗ ở không cần đóng tiền nhà trọ là may mắn lắm rồi", bà nói.
Vốn có 4 người con nhưng mỗi người lại có gia đình và ở riêng, tất cả đều có cuộc sống khó khăn nên không thể chu cấp cho bà dưỡng tuổi già. Trước đây, bà Anh cũng có căn nhà nhỏ cách những phần mộ chừng 100 mét, nhưng đã bán nên chịu cảnh ở thuê mấy chục năm nay.
Thời trẻ, bà Anh làm đủ nghề như bán hột vịt lộn, cháo lòng… để nuôi 2 đứa cháu. Đứa cháu ngoại đang học lớp 11 và một đứa cháu cố 7 tuổi đều bị mẹ bỏ mặc, giao phó cho bà Anh khi còn đỏ hỏn.
Lúc mới đến ở, ba bà cháu ngủ chung trên một chiếc giường, mua nước để sinh hoạt. Hai năm trước, có nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí giúp bà khoan giếng và xây phần gác lửng.
Nhà bà Anh ít khi có khách đến, bà cũng không thường hay nói chuyện hay sang nhà hàng xóm chơi.
"Dù nhà ai nấy biết nhưng mùa dịch tôi cũng được người ta cho gạo, đồ ăn nhiều lắm", bà nói.
Từ ngày dịch Covid -19 xuất hiện, việc buôn bán của bà Anh gặp khó khăn. Từ năm ngoái đến nay, bà nhiễm Covid 2 lần, sức khỏe xuống dốc. Lại kèm theo bị bệnh đau khớp, giãn tĩnh mạch nên bước đi khập khiễng, bà Anh không thể làm gì kiếm tiền.
Trong 4 người con, có một người con trai làm nghề phụ hồ, trước đây thỉnh thoảng cho bà vài trăm nghìn đi chợ. Nhưng từ Tết, người con trai bị tai nạn lao động nên hiện cũng đang thất nghiệp.
Cháu ngoại bà Anh, đang là học sinh lớp 11, không vì gia cảnh nghèo khó mà bỏ học, chuyển sang học nghề trang điểm. Thỉnh thoảng trong xóm có người đi dự đám cưới, em cũng kiếm được vài chục nghìn tiền make up thuê, rồi dành dụm để trang trải cho việc học của bản thân.
"Năm nay tôi không làm gì ra tiền, nhiều lần khuyên cháu nghỉ học nhưng cháu nói, chỉ còn 1 năm nữa là có bằng cấp 3 nên không thể bỏ. Học kỳ vừa rồi, bạn bè cháu góp tiền cho mượn đóng học phí. Đứa cháu cố 7 tuổi nhưng chưa đi học được, phần vì không có tiền, phần vì mẹ nó đã lấy hộ khẩu của tôi đem đi cầm đồ", bà Anh kể.