Tục lì xì đầu năm và những kiêng kị cần biết

(Dân trí) - Lì xì là một tục lệ đẹp trong dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam cũng như một số nước châu Á. Tuy nhiên, lì xì và nhận lì xì thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết.

Tục lì xì có từ đâu?

Xung quanh nguồn gốc của tục lì xì ngày Tết cũng có nhiều giả thuyết. Có người cho rằng phong tục này bắt nguồn từ bên Trung Quốc. Tương truyền thời xưa có một con yêu quái chuyên xuất hiện vào đêm Giao thừa, thích xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ ngon giấc làm chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn.

Vì thế những gia đình có con nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con mình. Một lần có 8 vị tiên đi ngang nhà kia thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái.

Việc lấy giấy đỏ gói tiền được kể lại cho bà con làng xóm. Mọi người vui mừng, bắt chước làm theo và dần dần trở thành phong tục tiền mừng tuổi hay còn gọi là lì xì đầu năm mới.


Lì xì đầu năm mới là tục lệ tốt đẹp của người Việt Nam (ảnh minh hoạ: Internet)

Lì xì đầu năm mới là tục lệ tốt đẹp của người Việt Nam (ảnh minh hoạ: Internet)

Cũng có ý kiến cho rằng tiền lì xì được biến thể từ tục “đặt áp tế tiền” - là những đồng tiền được xâu bằng chỉ đỏ, buộc lại theo hình thanh kiếm hoặc con rồng để trên giường hoặc trong nôi với mục đích chống tà ma, bảo vệ giấc ngủ cho trẻ nhỏ.

Còn theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ (ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) lý giải hai chữ lì xì là đọc âm Quảng Đông (Trung Quốc) - âm Hán Việt hay dùng là "lợi thị", có nghĩa là "lãi chợ", tiền lãi do chợ búa mà ra. Cũng có thể giải thích là kỳ vọng được lãi trong chợ búa buôn bán. Ở Bắc Bộ và khu 4 trước đây, người ta gọi đó là tiền "phát vốn" hoặc tiền "mở hàng". Nghĩa chung của "lì xì" "phát vốn","mở hàng" là đều gắn với chợ búa.

Lì xì và nhận lì xì thế nào cho đúng?

Nên lì xì tiền mới:

Lì xì là một tục lệ mang ý nghĩa tốt đẹp trong những ngày đầu năm mới. Dùng tiền mới để lì xì như lời chúc cho một sự khởi đầu tươi mới, tốt lành với người nhận.

Nên dùng phong bao để lì xì:

Phong bao là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có.Tiền lì xì hay còn gọi là tiền mừng tuổi ý nghĩa chính không nằm ở số tiền mà quan trọng là lòng mong ước cầu chúc người già sức khoẻ, trẻ con hay ăn chóng lớn, học hành tiến bộ. Nên dùng phong bao màu đỏ bởi màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn.

Nên để số tiền chẵn để tượng trưng cho ý nghĩa tốt lành:

Theo quan niệm Á Đông, số chẵn mang ý nghĩa may mắn. Vì vậy khi bỏ tiền vào bao lì xì dịp Tết, nên để tiền chẵn thay vì tiền lẻ.

Không nên mở phong bao lì xì trước mặt người tặng

Trong văn hóa Á Đông, mở bất cứ món quà nào trước mặt người tặng cũng được coi là thiếu lịch sự. Tương tự như vậy, bạn nên dặn trẻ không nên mở ngay phong bao lì xì trước mặt người tặng. Đồng thời, trẻ em cần có thái độ trân trọng, mừng rỡ biết nói lời cảm ơn và chúc Tết người lì xì mình.

Lì xì không chỉ là một phong tục dành cho ngày Tết mà nó còn mang tính giáo dục, kế thừa rất cao và cần được xem như một nghệ thuật sống đẹp của người Việt Nam để giáo dục cho con cháu chúng ta và các thế hệ sau này về một nghệ thuật cho, tặng, biếu, mừng tuổi, lì xì trong cuộc sống thường ngày và trong các ngày lễ hội cổ truyền của dân tộc.

Hải Phong

Tổng hợp