Tranh luận gay gắt câu nói "con gái là người tình kiếp trước của cha"

Hồng Anh

(Dân trí) - TS Nguyễn Ánh Hồng cho rằng, vì câu nói này hơi nhạy cảm, thiếu tinh tế nên cần hạn chế sử dụng. Việc dùng nhiều và thường xuyên có thể gây nên những hiểu lầm đáng tiếc.

Câu nói "Con gái là người tình kiếp trước của cha" đang trở thành chủ đề tranh luận nóng trên mạng xã hội. Nhiều người cảm thấy dị ứng với câu nói này, cho rằng đây là cách nói, cách suy nghĩ không phù hợp đạo đức và lệch chuẩn.

Tuy nhiên, một số lại phản bác bởi họ nghĩ, đó chỉ là cách ví von về sự gắn kết tình cảm giữa cha con gái.

Nguồn cơn của cuộc tranh luận này xuất phát từ phát ngôn gây "sốc" của diễn viên trẻ Cao Thái Hà. Trong một video được mạng xã hội chia sẻ lại, Cao Thái Hà nhắc về người cha quá cố. Diễn viên "Bão ngầm" tâm sự giữa cô và đấng sinh thành có một sự gắn kết chặt chẽ với nhau.

Tranh luận gay gắt câu nói

Cuộc tranh luận bắt nguồn từ phát ngôn của nữ diễn viên Cao Thái Hà. (Ảnh: P. N)

Nữ diễn viên kể thêm: "Đến ngày ba sắp tắt thở, tôi cầm tay ba nói chuyện rằng: Ba ơi, chắc có lẽ kiếp trước con với ba là người yêu, chắc yêu dữ lắm nên kiếp này mới thương yêu nhau như vậy. Nên kiếp sau mình lại tiếp tục yêu nhau nữa. Con mong kiếp sau mình đừng làm ba con nữa, mình làm vợ chồng đi".

Câu nói của diễn viên này khiến đông đảo cư dân mạng phản ứng và cho rằng đây là lối suy nghĩ lệch lạc. Cao Thái Hà sau đó đã lên tiếng xin lỗi nhưng dường như chưa thể xoa dịu dư luận.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra cuộc tranh luận xung quanh câu nói "cửa miệng" của nhiều người này.

Trước đó, MC Thảo Vân từng gay gắt bày tỏ quan niệm cho rằng, suy nghĩ ấy và cách nhìn nhận ấy thật đáng sợ… nhuốm màu loạn luân, bệnh hoạn. Cô không thấy một ý nghĩa nào, một sự đẹp đẽ nào trong cách so sánh này.

Theo Thảo Vân, tình cảm giữa cha và con gái là thứ tình cảm thuần khiết, trong sáng và cao cả, tuyệt đối không thể ví với kiểu tình cảm yêu đương đôi lứa. Không thể so sánh cách một người cha âu yếm con gái, yêu thương con gái mình giống như cách một người đàn ông âu yếm người yêu của mình.

Từ đây, nữ MC đặt ra vấn đề, phải chăng bao câu chuyện đau lòng về ấu dâm, về bạo hành trẻ em, về loạn luân xảy ra trong các năm qua một phần vì những suy nghĩ mông muội và có phần dễ dãi này?.

Liên quan đến câu nói đang gây tranh luận trên, trao đổi với PV Dân trí, nhà nghiên cứu văn hóa - TS Nguyễn Ánh Hồng cho rằng, thông thường trong mối quan hệ gia đình, người bố bao giờ cũng rất cưng chiều con gái bởi đa phần họ nghĩ con gái không ở với bố mẹ được bao lâu. Sớm muộn, con cũng sẽ đi lấy chồng.

Các ông bố bà mẹ vì vậy cố gắng bù trì cho con một chút tình cảm khi con đang ở trong vòng tay của mình. Từ tình cảm sâu sắc ấy, nhiều người thường bông đùa nói rằng "con gái là người tình kiếp trước của bố" vì được bố cưng chiều một cách rất đặc biệt.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Ánh Hồng, từ câu nói bông đùa đến phát ngôn gây sốc của nữ diễn viên điện ảnh -  một người của công chúng thì chuyện đã bị đẩy đi quá xa, hoàn toàn lệch chuẩn, không phù hợp đạo đức.

Tranh luận gay gắt câu nói

TS Nguyễn Ánh Hồng cho rằng nên hạn chế sử dụng câu nói này. (Ảnh: T.V)

Bà Hồng cho rằng, một nữ diễn viên còn suy diễn theo hướng dung tục như thế thì có thể một số người khác cũng có cách suy diễn tương tự. Sự thiếu hiểu biết dễ khiến người ta hiểu sai và dẫn tới những cách nói vi phạm văn hóa, đạo đức.

TS Nguyễn Ánh Hồng cũng cho rằng, câu nói hơi nhạy cảm và thiếu tinh tế. "Trong xã hội vốn dĩ đã xảy ra những vụ người cha xâm hại tình dục chính con ruột của mình. Nói đi nói lại nhiều lần vô hình trung sẽ cổ súy cho một lối suy nghĩ lệch lạc. Và đôi khi suy nghĩ lại châm ngòi cho hành động", TS Hồng nhấn mạnh.

Cũng theo TS Nguyễn Ánh Hồng, câu nói trên cũng có chút hàm ý thể hiện sự ngọt ngào gắn kết giữa tình cảm cha con. Nó sẽ không nguy hại nếu đặt trong một trường nghĩa mang tính tích cực.

Chẳng hạn, trong phạm vi không gian gia đình, bố chăm chút một đứa con gái mà con cứ mè nheo thì bố có thể nói đùa một chút cũng được.

Tuy nhiên, vì câu nói hơi nhạy cảm, thiếu tinh tế nên theo TS Hồng, nên hạn chế sử dụng, ngay cả khi nói đùa thì cũng nên hạn chế, không nên nói ở những nơi công cộng, trên phương tiện thông tin đại chúng.

"Không nên để câu nói này trở thành một thành ngữ trong văn hóa cộng đồng vì sẽ dễ gây nên những hiểu lầm đáng tiếc và những lối suy diễn lệch lạc khác nhau", TS Hồng nhấn mạnh.