Tranh cãi về nam thanh niên 13 lần thi lại Đại học dù cha mẹ đã già yếu

(Dân trí) - Một thanh niên người Trung Quốc đã 13 lần thi trượt vào Đại học và sẽ còn thi tiếp. Cha mẹ anh ngày càng già yếu, gia đình rất khó khăn. Câu chuyện đang gây tranh cãi tại Trung Quốc.

Trước câu chuyện của nam thanh niên Tang Shangjun, báo chí Trung Quốc nhận định đây là một thanh niên có quyết tâm khi đã có tới 13 lần dự thi Đại học với mong muốn được nhận vào trường Đại học Thanh Hoa - ngôi trường danh tiếng ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Nhưng hiện tại, khi đã ở tuổi 33, Tang Shangjun vẫn đang tiếp tục theo đuổi giấc mơ đỗ vào trường Đại học mơ ước một cách không mệt mỏi, bất kể việc cha mẹ anh đang nhanh chóng già yếu đi, đời sống gia đình ngày càng khó khăn, chật vật, câu chuyện này đã làm nảy sinh nhiều tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc xung quanh cách nhìn nhận của xã hội về vấn đề học vấn.

Tranh cãi về nam thanh niên 13 lần thi lại Đại học dù cha mẹ đã già yếu - 1

Ở tuổi 33, Tang Shangjun vẫn đang tiếp tục theo đuổi giấc mơ đỗ vào trường Đại học mơ ước một cách không mệt mỏi, bất kể việc cha mẹ anh đang ngày già yếu đi (Ảnh: SCMP).

Nhiều người cho rằng những trường hợp như Tang Shangjun chính là minh chứng cho những áp lực lệch lạc đã tồn tại từ lâu trong xã hội Trung Quốc xung quanh vấn đề thành tích học tập và đặc biệt là kỳ thi vào Đại học.

Tang Shangjun đến từ Quảng Tây, Trung Quốc, trong 13 lần thi Đại học, điểm số mà anh này đạt được đã tăng dần lên qua từng năm, chính vì vậy mà Tang càng nuôi hy vọng rằng sẽ có một ngày anh sẽ đỗ vào ngôi trường Đại học mơ ước.

Nhưng trong kỳ thi năm nay, điểm của Tang bất ngờ sụt giảm mạnh, hiện tại, anh đã quyết định vào học trong một trường Đại học ở địa phương, nơi số điểm đạt được vừa đủ điều kiện nhập học, dù vậy, Tang chia sẻ rằng anh sẽ vẫn tiếp tục thi tiếp và mục tiêu vẫn là trường Đại học Thanh Hoa - một trong những Đại học nổi tiếng nhất ở Trung Quốc.

"Tôi bây giờ cũng cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi rồi. Tôi hy vọng kỳ thi năm sau sẽ là kỳ thi cuối cùng mà tôi phải tham gia để có thể đỗ vào ngôi trường mơ ước", Tang chia sẻ.

Trong những kỳ thi trước đây, đã có những lần Tang đỗ vào những trường Đại học có chất lượng tốt trong xếp loại chất lượng các trường Đại học tại Trung Quốc, nhưng anh này đều chỉ nhập học một thời gian rồi lại bỏ học, bởi anh chỉ ước mơ vào học ở trường Thanh Hoa.

Tại Trung Quốc, kỳ thi Đại học được xem là một bài kiểm tra quan trọng trong bước đầu xác lập con đường sự nghiệp tương lai của một cá nhân.

Đối với nhiều người, đó là một sự kiện có thể làm thay đổi cuộc đời họ, mở ra cơ hội để những người có nền tảng xuất thân gặp nhiều khó khăn, hạn chế, có thể học tập trong ngôi trường chất lượng danh tiếng hàng đầu và từ đó mở ra những cơ hội việc làm tốt đẹp hơn về sau.

Tranh cãi về nam thanh niên 13 lần thi lại Đại học dù cha mẹ đã già yếu - 2

Tang sinh ra trong một gia đình làm nghề nông. Năm 2009, khi lần đầu thi Đại học, kết quả thi của Tang rất kém (Ảnh: SCMP).

Tang sinh ra trong một gia đình làm nghề nông. Năm 2009, khi lần đầu thi Đại học, kết quả thi của Tang rất kém. Anh quyết định sẽ tiếp tục nỗ lực học tập để thi lại.

Trong những năm sau đó, Tang âm thầm dự thi và nâng cao dần mức điểm. Chỉ tới năm 2016, Tang mới tiết lộ câu chuyện này cho cha mẹ biết, bởi khi ấy, mức điểm của anh đã cải thiện rõ rệt và đủ để anh được nhận vào một số trường có thứ hạng tốt. Cha mẹ Tang chia sẻ rằng họ cảm thấy rất tự hào trước sự kiên trì, nhẫn nại của con mình.

Trong những năm tháng học tập và thi lại vào Đại học, Tang làm gia sư và đi đưa đồ ăn. Cơ bản, Tang vẫn có thể tự xoay xở chu cấp cho cuộc sống cá nhân, nhưng cũng không dư dả, dù vậy, anh không hề cảm thấy hối hận vì suốt bao năm qua vẫn thi đi thi lại vào Đại học.

"Đôi khi, tôi cũng nghĩ nếu như tôi đã có công việc ổn định từ lâu, thì gia đình tôi đã không nghèo khó như bây giờ. Bây giờ, tôi vẫn chưa có gì trong tay, mọi thứ vẫn rất mông lung, thiếu ổn định, và càng lúc tôi càng cảm thấy khó khăn để có thể bắt đầu được một công việc nào ổn định dài lâu", Tang chia sẻ.

Câu chuyện về Tang đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Trung Quốc, trở thành đề tài nóng trên nhiều diễn đàn.

Rất nhiều cư dân mạng đã đưa ra những quan điểm cá nhân: "Thế nào là cuộc sống của một con người bình thường? Tôi nghĩ cộng đồng mạng cần phải tôn trọng quyết định của Tang. Chúng ta không ở trong hoàn cảnh của anh ấy nên sẽ không thể nói rằng những điều anh ấy đã làm là có đáng hay không", một người lên tiếng bênh vực cho Tang.

"Anh ấy nên hiểu rằng thời gian và cơ hội trong cuộc đời mỗi người là có giới hạn, không thể quá phung phí thời gian tuổi trẻ như vậy được đâu", một người khác bình luận.

"Anh ấy có thể học Đại học ở một trường chất lượng khá từng thi đỗ, rồi sau đó tìm cơ hội học lên cao sau Đại học tại ngôi trường mơ ước của mình. Anh ấy nên duy trì việc học tập, đi làm và rồi tìm cơ hội học thêm hoặc học lên cao ở ngôi trường mơ ước cũng được kia mà?", thêm một bình luận của cư dân mạng.

Ông Xiong Bingqi, Giám đốc của Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 tại Trung Quốc đánh giá trường hợp này là một câu chuyện mang nhiều nét tiêu cực: "Hoạt động giáo dục trong nhà trường ở bậc phổ thông trung học khiến học sinh dễ có những cách nhìn lệch lạc rằng đỗ vào những ngôi trường Đại học danh tiếng nhất chính là đạt được thành công, giúp mở ra cuộc sống tốt đẹp.

Nhiều học sinh cứ nghĩ rằng chỉ cần đỗ vào trường Đại học top đầu là từ đó cơ hội thênh thang rộng mở và dần trở nên thiếu ý chí học tập và làm việc. Đó là một lối suy nghĩ sai lầm. Cha mẹ và thầy cô nên coi câu chuyện của anh Tang như một minh chứng cho thấy áp lực lệch lạc mà nhiều học sinh trung học đang phải chịu đựng xung quanh kỳ thi Đại học".