Tranh cãi 20 triệu không đủ tiêu Tết ở Hà Nội, 9X gợi ý cách tiết kiệm
(Dân trí) - Chị Thu không đồng tình trước ý kiến cho rằng, chỉ 15-20 triệu đồng sẽ không thể đủ lo cho một cái Tết ở Hà Nội hay khi phải di chuyển về hai quê.
Tiền tiêu 3 ngày Tết bằng chi phí sinh hoạt một tháng
Tết Nguyên đán đang cận kề, như nhiều bà nội trợ, chị Đoàn Thị Thu (32 tuổi, sống tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang lên kế hoạch chi tiêu cho cả gia đình.
Chị Thu tham khảo khá nhiều bảng chi tiêu Tết của hội chị em trên mạng xã hội. Không ít người chia sẻ các khoản chi lên tới 50-100 triệu đồng gồm tiền biếu hai bên nội ngoại, quà Tết, lì xì, phí di chuyển, mua sắm...
Có ý kiến khẳng định, dù có vun vén khéo léo đến đâu thì cũng phải dành khoản tiền 30-40 triệu đồng cho một cái Tết, chỉ 15-20 triệu thì không biết xoay xở thế nào. Nếu sinh sống ở Hà Nội và còn cần đi về quê thì mức này là "tiết kiệm nhất có thể".
Bà nội trợ 9X không đồng tình trước ý kiến cho rằng, chỉ 15-20 triệu đồng sẽ không thể đủ lo cho một cái Tết ở Hà Nội hay khi phải di chuyển về hai quê.
Từ câu chuyện của gia đình mình, chị Thu chia sẻ, vợ chồng chị đi làm tại các công ty ở Hà Nội. Thu nhập của hai vợ chồng khoảng 20-25 triệu/tháng.
Quê chị Thu ở Hưng Yên, quê chồng chị ở Thái Bình nên như nhiều gia đình trẻ, chị Thu và chồng cũng thường ngược xuôi đôi ba nơi trong ngày Tết. Vừa chi sắm Tết, vừa lo tiền đi lại, bà nội trợ này phải cân đối các khoản để không vượt quá mức thu nhập của hai vợ chồng trong tháng.
"Tôi dự tính, Tết này, cả nhà chi tiêu tối đa 17-18 triệu đồng. Các khoản gồm: Biếu ông bà nội ngoại hai bên 6 triệu đồng, tiền di chuyển đi lại về quê ăn Tết 1 triệu đồng, tiền lì xì Tết 3 triệu đồng, tiền mua hoa tươi, bánh kẹo, quần áo cho con, thực phẩm…", chị Thu nói.
Bà nội trợ này cho biết, so với những năm trước, năm nay gia đình chị sẽ tiết kiệm hơn do thu nhập trong năm của hai vợ chồng đều giảm, chi phí sinh hoạt ở Hà Nội và tiền học của con gái đều tăng.
Trong năm, chị cũng đã duy trì lối sống tối giản bằng việc hạn chế mua sắm, duy trì nấu các bữa cơm tối đa 100.000 đồng/bữa.
"Những khoản cần chi vẫn phải chi, còn những khoản có thể tiết kiệm thì nên tiết kiệm, tinh gọn nhất. Chẳng hạn tiền mua quần áo Tết tôi dự định chỉ trong khoảng 1 triệu đồng, trong đó chủ yếu là mua cho con. Hai vợ chồng vẫn mặc đồ bình thường, tôi cũng không định làm tóc hay mi, móng", chị Thu chia sẻ.
Trước tâm lý "sợ Tết" của nhiều gia đình vì có quá nhiều khoản chi tiêu, chị Thu cho biết, hoàn toàn đồng cảm với nỗi niềm này.
Ngày nhỏ, chị cũng thích Tết vì được nhận lì xì, được ăn ngon, được đi chơi. Tuy nhiên, khi trưởng thành, đặc biệt là khi lập gia đình, chị hiểu được lý do vì sao nhiều người "sợ Tết".
Chị Thu chia sẻ: "Tính ra tiền tiêu 3 ngày Tết bằng chi phí sinh hoạt một tháng, trong khi trước và sau Tết vẫn cần một khoản. Tết tiêu quá tay thì sang tháng giêng lại thiếu trước hụt sau".
Theo chị Thu, mỗi gia đình nên giảm lược, chi tiêu theo tình hình kinh tế của mình, cũng không cần quá áp lực đến việc Tết phải quà cáp, biếu xén hay mâm cao cỗ đầy.
Chị Thu cũng chia sẻ cách chi tiêu Tết tiết kiệm: Tính toán các khoản cụ thể cần chi, bánh kẹo, thực phẩm mua ở mức đủ dùng, không nên mua quá nhiều vì mùng 2 Tết các chợ đã mở lại, việc tích trữ có thể gây dư thừa, lãng phí.
Dịp Tết mọi người thường có tâm lý phải sắm đồ mới. Tuy nhiên, chị Thu cho rằng, đây chính là khoản có thể cắt giảm được nhiều.
Nên ưu tiên mua cho con, bố mẹ mặc đồ lịch sự, gọn gàng, hoặc nếu mua thì cũng nên mua những bộ quần áo cơ bản, dễ mặc để sau Tết vẫn có thể tận dụng. Nếu mua váy vóc quần áo quá rườm rà, kiểu cách, nhiều người dễ mặc 1-2 lần rồi bỏ rất lãng phí.
"Ngoài ra, tôi còn lên ý tưởng tự trang trí cành đào, cành lựu. Năm nay, đợt bão gây thiệt hại nhiều nên các loại cây hoa chơi Tết giá sẽ cao hơn. Tôi cũng đã học làm những món ăn ngon ngày Tết như tự gói bánh, làm mứt, làm giò, làm đồ cúng… để ăn, vừa đảm bảo vệ sinh mà cũng tiết kiệm chi phí khá nhiều so với đi mua ngoài", chị Thu nói.
Không áp lực với tiền lì xì
Dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình cảm thấy áp lực với khoản mừng tuổi và coi đây là khoản "nặng" nhất trong bảng chi tiêu Tết. Thậm chí, nhiều người cho rằng, phải mừng tuổi cao hoặc tương đương nhau, năm sau có thể phải cao hơn năm trước thì mới trọn vẹn.
Bà mẹ trẻ cho hay, vợ chồng chị chỉ lì xì trong khoảng 3 triệu đồng, các mệnh giá 20.000-50.000-100.000 đồng.
"Tôi coi đây là khoản tiền đầu năm hoan hỉ lấy may nên không đặt nặng vấn đề mình mừng đi thì con mình phải nhận lại tương đương, cũng chưa bao giờ có suy nghĩ năm sau phải cao hơn năm trước do kinh tế mỗi năm mỗi khác.
Tôi cũng dạy con gái khi nhận lì xì luôn phải cảm ơn và không bao giờ được bóc lì xì trước mặt người mừng. Dù được mừng tuổi bao nhiêu cũng là tấm lòng của mọi người", chị Thu nói.