Trăm ngàn nỗi khổ của người trồng chè giữa nông trường Mộc Châu
(Dân trí) - Tiền lãi có được từ những đồi chè là nguồn thu chủ yếu của phần lớn các hộ gia đình trên thị trấn nông trường Mộc Châu. Nhưng vài năm trở lại đây, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn bởi đầu ra cho cây chè không còn ổn định.
Đặt chân đến trung tâm thị trấn nông trường Mộc Châu, đâu đâu cũng thấy một màu xanh ngút tầm mắt của những đồi chè rộng lớn. Những đồi chè nằm san sát, vòng vèo ôm cả cao nguyên.
Được biết, những cây chè được trồng ở nơi này đều có tuổi đời trên 60 năm, có thể tính vào hàng cổ thụ. Sở hữu đồi chè nằm ngay sát Công ty chè Mộc Châu, những tưởng người dân nơi đây không phải mang nặng nỗi lo về đầu ra sau mỗi vụ thu hoạch. Nhưng thực chất, trong nhiều năm nay, họ đã phải trăn trở không ít lần về vấn đề này.
Trước đây, làm ra bao nhiêu chè, nhà máy tiêu thụ bấy nhiêu. Mỗi hộ gia đình trồng chè ở Mộc Châu sở hữu khoảng vài nghìn mét vuông đất trồng. Sau khi thuê đất, mua cây về thầu, họ chăm bón, thu hoạch và đem chè bán lại cho nhà máy, lấy đó làm nguồn thu chủ yếu. Nhưng từ khi cổ phần hóa, công ty đặt ra quy định nghiêm ngặt hơn về chất lượng.
Chú Hòa, người dân trên thị trấn nông trường Mộc Châu chia sẻ nỗi trăn trở: “Là những hộ trồng chè giữa đất chè, chúng tôi chỉ mong muốn công ty, nhà máy tạo điều kiện, có cam kết hay hứa hẹn về đầu ra sản phẩm. Chứ vài năm trở lại đây, chúng tôi phải bán chè cho các lò sản xuất tư nhân nên việc bán hòa là thường xuyên xảy ra”.
Được biết, giá bán chè cho nhà máy và các lò sản xuất tư nhân chênh nhau vài trăm đồng một cân. Mới nghe tưởng ít nhưng nếu tính ra, người trồng chè mất đi một số tiền khá lớn. “Bán cho các lò tư nhân thường bấp bênh hơn, chưa kể việc bị chèn giá, dìm giá. Như năm ngoái, nhà tôi chỉ lãi 25 triệu/ năm/3000 mét đất trồng chè (khoảng hơn 2 triệu/tháng- PV), chưa trừ tiền phân, gio, thuê dụng cụ làm việc. Trồng chè như này không ăn thua, không nói quá, chỉ để có việc làm”, chú Hòa nhớ lại.
Chè là 1 trong những cây trồng được quan tâm và phát triển mạnh, đặc biệt ở vùng trung du và miền núi. Chè thu theo từng lứa, khoảng từ 1,5 đến 2 tháng. Nhưng vụ thu chính của chè chỉ tính trong 6 tháng, thời gian còn lại trong năm người trồng phải dành công chăm sóc.
Chè Mộc Châu có cái đặc biệt là chỉ chát chứ không có vị đắng như chè Hòa Bình. Những giống chè đặc sản ngon nức danh như San Tuyết, Bát Tiên, Ô Long... đều góp mặt trên vùng chè này.
Cây chè là giống cổ thụ, nên việc chăm sóc không mất quá nhiều công sức. Sau mỗi vụ thu hoạch, người trồng lại phải đốn một lượt để cây chè mọc búp vào mùa tiếp theo. Bên cạnh đó, chè là giống cây có nhiều sâu nên người dân cũng phải phun thuốc để bảo vệ mùa màng. Nếu không để ý, cây chè sẽ bị sâu ăn trụi lá. Sau khi phun thuốc, khoảng 20-30 ngày sau mới bắt đầu thu hoạch.
“Đất này là đất Nhà nước, chuyên dùng trồng chè nên giả thử có muốn tăng gia sản xuất thì cũng không có điều kiện. Mỗi nhà lại chỉ có vài nghìn mét đất trồng chè, không dám thầu nhiều vì không chăm sóc xuể. Vì vậy, đa số người dân chúng tôi không có nguồn thu nào thêm”, chú Hòa nói.
Nắng chiều dần tắt, nhiệt độ ở Mộc Châu buổi chiều giảm khá nhanh nhưng chú Hòa cùng vài người hàng xóm vẫn cẩn thận tưới nước cho từng luống chè. Chú bảo: “Cây chè là nguồn sống của cả nhà. Giờ không chăm sóc, tưới tắm cẩn thận thì có mà chết đói. Chỉ mong vụ sau cây ra tốt để bán được cho nhà máy. Có thế mới hy vọng khấm khá hơn”.
Hoàng Ngọc