Tổng công ty Điện lực miền Nam: "Điểm sáng” trong xây dựng nông thôn mới

(Dân trí) - Nhiều năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã luôn nỗ lực cố gắng, thực hiện tốt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo…

Việc đầu tư đưa điện về các vùng sâu, vùng xa và vùng lõm đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội và thay đổi bộ mặt vùng nông thôn của 21 tỉnh thành phía Nam.

Đưa điện về các hộ dân vùng sâu tỉnh Cà Mau
Đưa điện về các hộ dân vùng sâu tỉnh Cà Mau

Ông Nguyễn Văn Hợp - Tổng Giám đốc EVNSPC cho biết: Địa bàn EVN SPC quản lý và bán điện chủ yếu là vùng nông thôn sông nước miền Tây Nam Bộ, hệ thống sông ngòi chằng chịt, việc đầu tư xây dựng các công trình điện gặp rất nhiều khó khăn do dân cư sống thưa thớt, giao thông chủ yếu là đường thủy, nhiều vùng thậm chí chưa có đường giao thông chính. Bên cạnh khó khăn về hạ tầng, những năm qua, trong quá trình triển khai các dự án cấp điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, EVN SPC còn đối mặt khó khăn lớn nhất là nguồn vốn.

Đường dây vượt biển cấp điện Lại Sơn, tỉnh Kiên Giang
Đường dây vượt biển cấp điện Lại Sơn, tỉnh Kiên Giang

“Tuy nhiên, lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên EVN SPC không vì những khó khăn đó mà chậm trễ, thoái thác, ngược lại luôn tìm hướng khắc phục trong từng thời điểm” - Ông Nguyễn Văn Hợp chia sẻ.

Các vùng nuôi tôm tại ĐBSCL phát triển mạnh nhờ có điện
Các vùng nuôi tôm tại ĐBSCL phát triển mạnh nhờ có điện

Theo ông Hợp, hiện thực hóa chủ trương trên, EVN SPC đã triển khai hàng loạt các công trình, dự án điện cho thôn, buôn chưa có điện tỉnh Lâm Đồng; điện cho đồng bào dân tộc Khmer các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang; đặc biệt là công trình đưa điện lưới quốc gia 110kV bằng cáp ngầm xuyên biển ra Phú Quốc; dự án điện vượt biển trên không vươn ra các đảo Hòn Tre, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang; cùng với việc tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy Diesel Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu; các công trình cấp điện trạm bơm tưới tiêu cho trên 165.000 ha lúa và hoa màu trên địa bàn tỉnh An Giang; chương trình cấp điện chong đèn thanh long tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang; điện phục vụ nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh ĐBSCL; các dự án, công trình điện phục vụ phát triển công nghiệp tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh và các địa phương trên địa bàn hoạt động…

Đảm bảo cấp điện cho các vùng trồng thanh long tại Bình Thuận, Tiền Giang
Đảm bảo cấp điện cho các vùng trồng thanh long tại Bình Thuận, Tiền Giang

Theo đó, tính đến cuối quý 2/2018, toàn EVN SPC có 2.513/2.513 xã, phường, thị trấn có điện, đạt tỷ lệ 100%. Số hộ dân có điện là 7,77 triệu hộ, đạt tỷ lệ 99,56%; trong đó số hộ dân nông thôn có điện là 5,14 triệu hộ, đạt tỷ lệ 99,40%.

Điện góp phần ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế trên các vùng biển đảo phía Nam tổ quốc
Điện góp phần ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế trên các vùng biển đảo phía Nam tổ quốc

Hiện nay, EVN SPC đang bán điện trực tiếp đến 7,2 triệu hộ dân, chiếm tỷ lệ 92,7%, còn lại 7,3% số hộ do các tổ chức điện nông thôn mua điện của ngành điện và bán lẻ đến các hộ dân phía sau công tơ tổng, tập trung hầu hết tại 2 tỉnh An Giang và Trà Vinh.

Đặc biệt, trong năm 2017, EVN SPC phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện đầu tư đưa 98 xã đạt chỉ tiêu số 4 về điện (một trong các chỉ tiệu trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020). Tính đến cuối năm 2017, 1.310/1.960 xã thuộc 21 tỉnh, thành phía Nam đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn, chiếm tỷ lệ 66,84% số xã đạt tiêu chí số 4.

Điện về thay đổi đời sống bà con dân tộc Khmer tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Điện về thay đổi đời sống bà con dân tộc Khmer tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang.

Song song với quá trình đầu tư cho lưới điện nông thôn, miền núi, hải đảo, EVN SPC đang chủ trương xóa dần việc bán điện qua hình thức câu phụ (câu đuôi, câu chuyền, chia hơi), tiến tới bán điện trực tiếp đến từng hộ sử dụng điện qua công tơ chính của ngành điện, với tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2020. Theo đó, trong 2 năm 2016 - 2017, EVN SPC đã bố trí 295 tỉ đồng cho các công ty điện lực để xóa 153.212 hộ sử dụng điện qua câu phụ có suất đầu tư thấp dưới 2 và 3 triệu đồng/hộ. Năm 2018 tiếp tục bố trí 194 tỉ đồng để xóa 49.130 hộ câu phụ có suất đầu tư thấp dưới 4 triệu đồng/hộ.

Ngoài ra, EVN SPC và các đơn vị còn đặc biệt nỗ lực trong công tác kinh doanh và nâng cao chất lượng các dịch vụ điện, hiệu quả quản trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách thủ tục, tạo mọi thuận tiện cho khách hàng.

Tổng công ty Điện lực miền Nam: "Điểm sáng” trong xây dựng nông thôn mới - 7

Ông Nguyễn Văn Hợp khẳng định: “Từ khi Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVN SPC được đưa vào hoạt động, các thông tin, yêu cầu của khách hàng đã được tiếp nhận, giải quyết kịp thời”.

Đến hết năm 2017, EVN SPC đã triển khai 100% cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến thông qua website của trung tâm trên. EVN SPC cũng ngày càng hoàn thiện công tác chăm sóc khách hàng, thông qua thước đo về đánh giá mức độ hài lòng khách hàng. Kết quả điểm số đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng điện đối với các đơn vị trong năm 2017 tăng cao hơn so với 2016. Trong đó điểm số trung bình về mức độ hài lòng của Trung tâm Chăm sóc khách hàng là 8,29 điểm, các công ty điện lực tại 21 tỉnh phía Nam là 8 điểm.

EVN SPC còn thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về chỉ số tiếp cận điện năng. Đặc biệt trong thời đại cách mạng 4.0, EVN SPC đã tự động hóa một số khâu trong công tác kinh doanh để nâng cao dịch vụ khách hàng, như: Trang bị 2,4 triệu công tơ điện tử cho khách hàng dùng điện, trong đó có 2,2 triệu công tơ điện tử lắp đo ghi từ xa; ứng dụng công nghệ sửa chữa hotline và vệ sinh hotline hạn chế cắt điện khi bảo trì, sửa chữa điện cho khách hàng...

Bên cạnh đó triển khai các chương trình, phần mềm rút ngắn thời gian công tác, tiết kiệm nhân công; hoàn thiện hệ thống thông tin nhằm chăm sóc khách hàng tốt nhất, bao gồm hệ thống GIS (hệ thống quản lý thông tin địa lý khách hàng), CMIS 3.0 (hệ thống thông tin quản lý khách hàng), CRM (hệ thống chăm sóc khách hàng).

Đầu tư mở rộng lưới điện, thực hiện nhiều dự án đưa điện về vùng nông thôn, vùng sâu, miền núi phục vụ đồng bào dân tộc, đã tạo điều kiện cho đồng bào có điện sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình xóa đói giảm nghèo, giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi. Từng ngày, từng ngày, những đường điện lưới quốc gia tiếp tục vươn dài, vươn xa thắp sáng những vùng quê, mang đến cho người dân những điều kiện tốt nhất tiếp cận với cuộc sống ngày càng hiện đại của xã hội./.

Đình Hoàng