Quảng Trị:
Tổ chức, dự án phi chính phủ hỗ trợ gần 62 tỷ đồng khắc phục thiên tai
(Dân trí) - Thời gian qua, các tổ chức, dự án phi chính phủ và nhà tài trợ quốc tế đã hỗ trợ chính quyền, người dân Quảng Trị phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, với số tiền gần 62 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê của Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, tính đến nay, có 21 tổ chức, dự án, nhà tài trợ quốc tế chung tay hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, với tổng số tiền viện trợ gần 62 tỷ đồng.
Hoạt động hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai của các tổ chức phi chính phủ, dự án tập trung tại các huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Hải Lăng, Triệu Phong… những nơi chịu ảnh hưởng nặng của đợt mưa lũ vừa qua.
Một số dự án, tổ chức phi chính phủ, nhà tài trợ quốc tế có khoản viện trợ lớn như: IFRC; ECHO; FAO; Care International; Plan International; World Vision International, …
Từ nguồn hỗ trợ nói trên, Sở Ngoại vụ sẽ tổ chức điều phối hoạt động của các tổ chức, dự án phi chính phủ hỗ trợ chính quyền và người dân Quảng Trị khắc phục hậu quả thiên tai.
Lãnh đạo Sở Ngoại vụ Quảng Trị đánh giá, sự hợp tác, hỗ trợ chính quyền, người dân khắc phục hậu quả thiên tai của các dự án, tổ chức phi chính phủ và nhà tài trợ quốc tế có ý nghĩa lớn trong việc giúp nhân dân Quảng Trị tái thiết cuộc sống sau thiên tai.
Trước đó, tổ chức Plan International Việt Nam đã trao gói hỗ trợ tổng trị giá hơn 10,5 tỷ đồng để góp phần sẻ chia khó khăn và mất mát của Nhân dân Quảng Trị do mưa lũ gây ra.
Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận gói hỗ trợ và cảm ơn tình cảm của tổ chức Plan International Việt Nam đã dành cho bà con vùng lũ Quảng Trị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cho biết, ước tính thiệt hại do bão lũ gây ra tại Quảng Trị khoảng 3.500 tỷ đồng, hiện người dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bởi sau bão lũ các vật nuôi, cây trồng phần lớn bị lũ cuốn trôi, diện tích canh tác, nuôi trồng thủy hải sản bị sạt lở hoặc đang bị bùn đất vùi lấp.
Phó Chủ tịch Hoàng Nam mong muốn Tổ chức Plan phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương để trao đổi và có sự lồng ghép với các nguồn tài trợ khác nhằm mang lại hiệu quả thiết thực nhất cho bà con vùng lũ.