Tin dữ cho kẻ thách thức “Vua mất ngủ”

(Dân trí) - 8 giờ sáng ngày 25/5, Tony Wright leo lên giường trong niềm vui khó tả: với hơn 11 ngày thức trắng, anh đã phế truất Randy Gardner khỏi danh hiệu <a href="http://dantri.com.vn/chuyenla/2007/5/179491.vip">“Vua mất ngủ”</a> được lập vào năm 1964. Tin sét đánh chỉ đến sau khi Tony đã say giấc nồng: quán quân đích thực không phải là Randy, mà là một người Phần Lan tên là Toimi Soini.

>> Thách thức "Vua mất ngủ"

 

Quả thực, kỳ tích 264 giờ không ngủ của chàng sinh viên người Mỹ Randy Gardner năm 1964 trước nay luôn được “nêu gương” trong mọi cuốn sách viết về tâm thần.

 

Tuy nhiên ít ai biết, hành trình này vẫn thua kém 12 giờ so với kỷ lục đã từng được Guiness công nhận và tiếc thay, bị xóa tên vào năm 1989: ấy là 11 ngày rưỡi thức trắng  (tương đương 276 giờ) của người đàn ông có tên Toimi Soini, sống ở Hamina, Phần Lan - được thực hiện từ ngày 5/2 - 15/2/1964.

 

Như vậy theo phép suy luận đơn giản, Tony Wright đã đi ngủ sớm trước 10 tiếng so với kỷ lục đích thực cần phải vượt qua.

 

Graham Gynn - người cùng Tony thực hiện nghiên cứu mối quan hệ giữa giấc ngủ và con người - tỏ ý bất bình khi cho hay “hai chúng tôi hoàn toàn không biết Guiness đã từng ghi nhận một kỷ lục như thế này”.

 

“Nó cũng không được đề cập tới trong bất kỳ tài liệu nào nói về giấc ngủ và bệnh mất ngủ. Cả thế giới chỉ biết đến thành tích duy nhất do Randy Garger lập năm 1964 khi là cậu sinh viên 17 tuổi mà thôi”.

 

“Hơn nữa, việc Tony thức hơn 11 ngày không chỉ để tranh giành ngôi vị quán quân mà còn nhằm minh chứng một sự thật đáng ngạc nhiên rằng: trí não anh ta có thể rèn luyện để thức trong 1 thời gian dài mà vẫn nhận thức mọi việc diễn ra xung quanh một cách minh mẫn. Sự thật thì Tony không chỉ tỉnh táo mà còn tiếp chuyện giới truyền thông suốt cả ngày”.

 

Tin dữ cho kẻ thách thức “Vua mất ngủ” - 1

 

Trước khi leo lên giường, ông bố có 3 mặt con không quên gửi lời cảm ơn tới quán bar Studio tại thị trấn Penzance quê nhà - nơi đã phục vụ ông những bữa ăn “như người tiền sử đích thực”: thức ăn sống, hoa quả tươi..., mà theo Tony “là nhân tố quyết định giúp tôi tỉnh táo trong nhiều ngày”.

 

Trong suốt 11 ngày không ngủ, bên cạnh Tony Wright luôn có 6 chiếc camera của đài CCTV truyền hình trực tiếp chưa kể hàng trăm phóng viên nhà báo mà anh phải tiếp chuyện.

  

Được biết, thành tích “mất ngủ” của Toimi Soini bị xóa tên khỏi danh sách là do “nó khuyến khích những kỷ lục có hại cho sức khỏe” và thêm một nguyên nhân đáng kể nữa là “chưa thể xác minh”.

 

Tính tới thời điểm này, sách Guiness đã xóa một số loại kỷ lục được cho là mang tính “tiêu cực” như sau: nuốt kiếm (quá nguy hiểm cho tính mạng), mèo béo ú (hành vi trái đạo đức), ăn no và uống no (khó thẩm định).

 

Hải Minh

Theo Times Online