Thứ "đặc sản" không một người nào mong muốn

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Hơn ba năm qua, huyện Kon Plông, Kon Tum đã ghi nhận hàng trăm trận động đất. Đây là thứ "đặc sản" mà không một người dân nào mong muốn.

"Đặc sản" động đất

Theo Viện Vật lý địa cầu, từ năm 2021 đến nay, huyện Kon Plông, Kon Tum đã ghi nhận hơn 700 trận động đất.

Mỗi đêm, người dân vùng tâm chấn ở các xã: Đăk Tăng, Đăk Rinh, Đăk Nên… (huyện Kon Plông) đều cảm nhận rung lắc. Nhiều trận động đất mạnh khiến nhà cửa, công trình ở vùng tâm chấn bị hư hại, nứt gãy.

Thứ đặc sản không một người nào mong muốn - 1

Mỗi ngày, người dân vùng tâm chấn huyện Kon Plông thường cảm nhận sự rung lắc do động đất gây ra (Ảnh: Phạm Hoàng).

Theo ông A Lang, Bí thư Chi bộ thôn Đăk Tăng (xã Đăk Tăng), thôn có khoảng 70 hộ dân sinh sống dọc những sườn núi. Từ năm 2021, động đất bắt đầu xuất hiện với tần suất dày. Những trận động đất từ 4.0 độ trở lên đã gây rung lắc mạnh khiến người dân rất hoang mang. Lâu dần, động đất diễn ra liên tục nên bà con cũng quen với rung chấn mỗi ngày.

"Bà con ở đây xem động đất như một đặc sản không mong muốn. Đêm nằm ngủ, người dân đều thấy nhà cửa, mặt đất rung lắc. Sợ thì sợ nhưng chúng tôi vẫn phải ở vùng này để sinh sống, làm ăn. Chính vì vậy, bà con luôn chủ động học kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra", ông A Lang chia sẻ.

Trận động đất 5.0 độ xảy ra vào cuối tháng 7 đã khiến một số công trình trường học, trạm y tế xuất hiện vết rạn nứt ở vách tường. Trận động đất này còn gây ra rung chấn mạnh cho các tỉnh, thành phố ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung. Người dân vùng tâm chấn cũng không khỏi bàng hoàng trước sự rung lắc mạnh bất thường so với những lần trước.

Bà Y Môn (63 tuổi, thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng) cho biết: "Gia đình dọn ra khu tái định cư gần 14 năm. Đến nay, nhà trong khu tái định cư đã xuống cấp cùng với rung chấn liên tục do động đất đã khiến từng mảng vữa, gạch ốp bị rơi xuống. Tường nhà bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt chân chim khiến gia đình rất lo lắng".

Theo bà Y Môn, mỗi lần cảm nhận rung lắc là bà con biết động đất xảy ra. Sau mỗi trận động đất, cán bộ xã thường đến kiểm tra và nhắc nhở người dân gia cố lại nhà cửa.

Tập huấn kiến thức thích ứng động đất

Việc phải sinh sống trong vùng thường xuyên có động đất luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về tính mạng, tài sản của người dân. Chính vì vậy, Viện Vật lý địa cầu đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng phó trước những diễn biến bất thường, đặc biệt là động đất, sạt lở…

Thứ đặc sản không một người nào mong muốn - 2

Cán bộ Viện Vật lý địa cầu giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến động đất (Ảnh: Chí Anh).

Trong tháng 8 vừa qua, Viện Vật lý địa cầu đã thực hiện chuyến khảo sát vùng tâm chấn động đất ở huyện Kon Plông. Đồng thời, đoàn cán bộ tập huấn cho người dân cách ứng phó với từng tình huống khi động đất xảy ra để giảm nhẹ thiệt hại.

Tại đây, đoàn đã vào nhiều buôn làng tại xã Đăk Tăng, Măng Bút để phát tờ rơi, tài liệu hướng dẫn cách ứng phó khi động đất xảy ra. Cán bộ còn trực tiếp trao đổi cho người dân về giải pháp phòng tránh động đất, cách ứng phó với tình huống cụ thể.

Theo Viện Vật lý địa cầu, trên thế giới cũng rất khó dự đoán thời điểm động đất xảy ra. Do đó, các quốc gia thường tập trung vào giải pháp giảm nhẹ hậu quả động đất. Ưu tiên nghiên cứu xây dựng công trình có khả năng chịu dư chấn cao và huấn luyện người dân kỹ năng sinh tồn khi xảy ra thiên tai.

Thứ đặc sản không một người nào mong muốn - 3

Chính quyền xã xuống từng nhà để phát tờ rơi, hướng dẫn người dân các phương pháp thích ứng khi động đất xảy ra (Ảnh: Chí Anh).

Ông Nguyễn Văn Bay, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, cho biết, các buổi tập huấn đã thu hút hàng trăm hộ dân đến tham dự. Chuyên gia về động đất đã giải đáp thắc mắc, cung cấp thông tin, kỹ năng ứng phó cho người dân vùng tâm chấn. Qua đó, bà con đã hiểu biết hơn về động đất và tâm lý ổn định để sinh sống, yên tâm sản xuất.

Ông Đào Duy Khánh, Bí thư Huyện ủy Kon Plông, cho hay: "Từ những năm 2021, động đất liên tục xuất hiện, huyện đã kết nối cùng Viện Vật lý địa cầu và cơ quan chức năng về tập huấn diễn tập phòng chống tai nạn do động đất. Đến thời điểm này, cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường. Về lâu dài, huyện sẽ chủ động các phương án ứng phó với động đất".

Theo ông Khánh, đối với các trụ sở cơ quan nhà nước, khi xây dựng đã tính toán kết cấu vững chắc, đảm bảo an toàn trước cường độ động đất không quá lớn. Nhà dân, định hướng xây dựng tuân thủ "3 cứng" là mái cứng, tường cứng và nền cứng để đảm bảo cho bà con an toàn trong mùa mưa bão và các rung chấn do động đất.