Thầy giáo trẻ và bộ sưu tập gần 3000 kỷ vật thời chiến

(Dân trí) - Hơn 10 năm qua, thầy giáo trẻ Phạm Văn Điệp đã một mình đặt chân đến khắp mọi miền Tổ quốc để tìm kiếm và lưu giữ những món đồ còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh đầy khốc liệt. Giờ đây, “khối gia tài” của chàng trai ấy đã lên đến con số gần 3000 kỷ vật.

Bước vào căn phòng của anh Phạm Văn Điệp (trú tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), bất cứ ai cũng phải choáng ngợp với một bảo tàng thu nhỏ trưng bày đủ các kỷ vật thời chiến.

Từ chiếc bi – đông đựng nước, mũ cối, ba lô, quần áo, súng đạn, tem phiếu thời bao cấp cho đến linh kiện máy bay,… mỗi món đồ đều ẩn chứa những câu chuyện riêng, là nhân chứng của một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn nhưng cũng thật hào hùng.

Một góc phòng trưng bày của thầy giáo Phạm Văn Điệp.
Một góc phòng trưng bày của thầy giáo Phạm Văn Điệp.

Kể về cơ duyên đến với các kỷ vật thời chiến, anh Điệp chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã rất thích được ngồi nghe các bác cựu chiến binh kể về cuộc sống của người lính ở chiến trường. Mỗi kỉ niệm, mỗi món đồ năm xưa đều được các bác nhắc đến bằng sự trân trọng và rưng rưng xúc động. Chính nhờ thế, tôi hiểu chúng có giá trị lớn đến nhường nào”.

Cũng từ đó, đi đến bất cứ đâu, anh cũng kiếm tìm, lưu giữ lại những kỷ vật chiến tranh và dành hết thời gian cho niềm đam mê này.

Tìm được kỷ vật đã khó, nhưng việc sở hữu chúng cũng chẳng hề đơn giản. Mỗi khi nắm được thông tin về món đồ, anh lại lặn lội đến tận nơi, tìm gặp bằng được chủ nhân hoặc người nhà để xin mua lại.

Có những người ngay lập tức tặng lại, nhưng cũng có người nhất quyết không bán dù với bất cứ giá nào. Anh Điệp kể, có khi chỉ là một chiếc bi – đông đựng nước, anh cũng phải cất công đi đến hàng chục lần để thuyết phục.

Mỗi món kỷ vật đều được anh rất trân trọng.
Mỗi món kỷ vật đều được anh rất trân trọng.

Cho đến nay, số lượng kỷ vật trong phòng trưng bày đã lên đến gần 3000. Thầy giáo trẻ tâm sự: “Đối với tôi, món đồ nào cũng có giá trị như nhau, cho dù chỉ là chiếc ca nhỏ được làm từ ống pháo sáng của Mỹ, chiếc thắt lưng hay bộ đàm thoại chuyên dùng của bộ đội,… tôi cũng đều trân trọng. Ngay cả món đồ đầu tiên sưu tập được là chiếc dao găm của Trung Quốc vẫn được tôi giữ gìn đến tận bây giờ’”.

Tất cả các món kỷ vật đều được anh ghi lại chi tiết trong cuốn sổ nhỏ, từ việc nhận của ai, thời gian, địa điểm, vật dụng gì, gắn với kỷ niệm nào...

Trong căn phòng 20m2, hàng nghìn kỷ vật được anh xếp sắp gọn gàng trong tủ kính. Để đem được những món đồ từ hàng chục năm trước về đây, chàng trai 8x đã đặt chân lên khắp mọi miền Tổ quốc. Vừa rồi, anh đã hoàn thành chuyến đi đến miền Trung và sưu tập được vô khối kỷ vật thời chống Mỹ.

Anh Điệp trong các chuyến hành trình đi tìm kỷ vật.
Anh Điệp trong các chuyến hành trình đi tìm kỷ vật.

“Mỗi chiếc bi-đông đựng nước của người lính Trường Sơn, chiếc cặp lồng đựng cơm của nữ thanh niên xung phong hay chiếc la bàn, bộ quần áo rách đều chứa đựng một câu chuyện về thời chiến. Cầm đồ vật trên tay, nghe các bác cựu binh kể chuyện mà tôi ngỡ như mình đang chứng kiến sự việc. Chuyện vui có, chuyện buồn cũng rất nhiều, vì thế kỷ vật không chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần mà còn có giá trị về lịch sử dân tộc”.

Để đảm bảo những kỷ vật này không bị ảnh hưởng bởi tác động của thời gian, anh Điệp phải áp dụng các kỹ thuật bảo quản rất cẩn thận. Đối với hiện vật cứng, cứ mỗi khi rảnh rỗi anh đều lau chùi, tra dầu chống gỉ. Còn những hiện vật mềm như tem, phiếu, giấy tờ... anh đều đảm bảo điều kiện để tránh ẩm mốc.

Phòng trưng bày của anh thường có các cựu chiến binh về thăm và ôn lại kỷ niệm.
Phòng trưng bày của anh thường có các cựu chiến binh về thăm và ôn lại kỷ niệm.

Với đồng lương giáo viên ít ỏi, chàng trai trẻ không thể nào vừa lo cho cuộc sống, vừa thỏa mãn niềm đam mê nên phải làm nhiều công việc khác để có thêm thu nhập. Tất cả các khoản tiền kiếm được, anh dành hết vào tìm kiếm, thu thập kỷ vật thời chiến nhưng nhiều khi không đủ. Có những món đồ chiếm mất của anh cả tháng lương, thậm chí dành dụm 3 – 4 tháng mới mua được. Có lần, sợ người khác mua mất nên anh phải vay bạn bè rồi sau tích cóp trả dần.

Anh Điệp hào hứng khoe: “Ngày 25/7 vừa qua, bác Võ Điện Biên - con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm phòng trưng bày của tôi. Chính trong căn phòng này, tất cả mọi người cùng ngồi trò chuyện và bác Biên đã chia sẻ rất nhiều. Bác hỏi tường tận về những món đồ, những tư liệu về Đại tướng mà tôi sưu tập được. Trong thực tế, những kỷ vật này rất hiếm và ngay cả gia đình cũng khó tìm kiếm. Bác Biên còn gửi gắm những lời tâm sự rất ý nghĩa. Đây là một kỷ niệm rất đáng trân trọng mà không phải ai cũng vinh dự có được” .

Bác Võ Điện Biên - con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần đến thăm phòng trưng bày
Bác Võ Điện Biên - con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần đến thăm phòng trưng bày

Anh Điệp thường có một quyển sổ để khách đến thăm phòng trưng bày ghi lại cảm xúc.
Anh Điệp thường có một quyển sổ để khách đến thăm phòng trưng bày ghi lại cảm xúc.

Thầy giáo trẻ cũng tiết lộ, anh đã xin gia đình Đại tướng một số kỷ vật để tự tay trưng bày, bảo quản và đã nhận được sự đồng ý. Trong thời gian tới, anh dự định sưu tập thêm thật nhiều kỷ vật chiến tranh, sau đó mở một bảo tàng tư nhân hoặc một quán cà phê lính để đem những kỷ vật có giá trị này đến gần hơn với tất cả mọi người.

Hoàng Ngọc

Ảnh: NVCC