Tháo nút thắt giúp thanh niên dân tộc thiểu số ở Bình Liêu Quảng Ninh khởi nghiệp thành công
(Dân trí) - Huyện Đoàn Bình Liêu đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, vận động ra học các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Khởi nghiệp đang là phong trào nhận được sự quan tâm của thế hệ trẻ, thanh niên dân tộc thiểu số cũng không nằm ngoài phong trào đó. Tuy nhiên, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số gặp khó khăn khi khởi nghiệp như: Thiếu vốn, kỹ thuật và kỹ năng quản lý, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Nhiều thanh niên muốn khởi nghiệp nhưng sợ rủi ro, sợ thất bại. Bên cạnh đó, thanh niên dân tộc thiểu số ở những địa bàn khó khăn nên không có điều kiện phát triển mô hình, họ loay hoay vì chưa tìm được hướng đi phù hợp.
Nhằm giúp thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) khởi nghiệp thành công, thời gian qua, Đoàn thanh niên các cấp trên địa bàn huyện đã tổ chức nhiều hoạt động tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ, "tiếp lửa" cho đoàn viên, thanh niên.
Huyện Đoàn Bình Liêu đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, vận động theo học các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Theo đó, Huyện Đoàn đã tổ chức 51 hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho 4.534 lượt người, trong đó có gần 350 người đã tìm được việc làm ổn định sau tư vấn. Tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 50 lượt sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc làm tham gia Dự án tăng cường tri thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các lâm trường quốc phòng.
Tổ chức 3 chuyến đi thực tế học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển sản xuất tại các địa phương khác trong và ngoài tỉnh (như ở tại Tiên Yên, Cao Bằng...). Tư vấn cho thanh niên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; khai thác nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội cho thanh niên lập nghiệp, đến nay tổng dư nợ vay vốn qua tổ chức Đoàn là 36 tỷ, cho 606 hộ được vay vốn.
Anh Phùn Dảu Lằm - Thôn Phiêng Sáp, xã Đồng Tâm, sau khi được Trường cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam phối hợp với tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tư vấn, định hướng nghề nghiệp, anh đã đăng ký theo học. Đến nay, sau một thời gian tập sự, anh đã được đi làm chính thức được 2 tháng, với mức lương trên 15 triệu đồng/tháng.
Anh Lằm chia sẻ: "Trước đây, ngoài những lúc lên rừng trích nhựa thông để kiếm tiền nuôi gia đình thì tôi chẳng biết làm thêm gì để tăng thu nhập cả. Giá nhựa thông lên xuống, bấp bênh, nên thu nhập của gia đình cũng bị ảnh hưởng.
Khi được tư vấn nghề nghiệp, tôi đã mạnh dạn đăng ký đi học nghề, đến nay đã được vào làm chính thức tại công ty than Mông Dương, thu nhập ổn định rồi, giờ tôi không cần phải lo lắng về việc kiếm tiền trang trải cuộc sống nữa".
Thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp, giới thiệu việc làm tạo thu nhập cho đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được chú trọng, trong đó phát huy thế mạnh là các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm OCOP; các mô hình khởi nghiệp trên lĩnh vực du lịch gắn với quảng bá, giới thiệu các nét văn hóa độc đáo, bản sắc của huyện... bước đầu đã cho những thành công nhất định.
Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, Huyện đoàn Bình Liêu đã hướng dẫn làm thủ tục đăng ký thành lập Hợp tác xã cho 4 đoàn viên thanh niên đứng ra làm chủ, triển khai 40 mô hình thanh niên làm kinh tế.
Nhiều mô hình hiệu quả như trồng dong riềng và sản xuất miến dong, trồng nấm, nuôi gà, chim cút, dê, bò… Một số mô hình mới cũng được mạnh dạn thử nghiệm như trồng cây cảnh, cam, na...
Thành lập Đội Thanh niên phát triển kinh tế rừng với 32 đoàn viên thanh niên tham gia giúp nhau các phần việc như trồng chăm sóc cây, phát quang rừng quế, hồi tại thôn Ngàn Cậm, Nà Choòng xã Hoành Mô... Từ đó, giúp đời sống của các đoàn viên thanh niên nói riêng và bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói chung có nhiều khởi sắc.
Hoàng Gái