Tết Đoan Ngọ, mua vịt đi lễ nhà ngoại

(Dân trí) - Tại nhiều vùng quê thuộc tỉnh Nghệ An, Tết Đoan Ngọ không phải là ngày diệt sâu bọ mà là ngày chàng rể thể hiện tình cảm với cha mẹ vợ. Ngày này không thể thiếu các món ăn chế biến từ thịt vịt, bởi vậy, vịt là “lễ vật” được các chàng rể lựa chọn để mua biếu nhà ngoại.

Vịt là loại thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ tại Nghệ An
Vịt là loại thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ tại Nghệ An

600 con vịt thịt của gia đình ông Nguyễn Sỹ Thắng (xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) đến sáng ngày 30/5 (tức ngày 5/5 âm lịch) chỉ còn lại chừng 30 con. Đàn vịt thịt cánh trắng của gia đình anh xuất chuồng từ hai hôm nay để phục vụ thị trường Tết Đoan Ngọ.

“Năm nay thịt lợn rẻ nhưng vịt cũng không đắt hơn năm ngoái. Trung bình mỗi con 2,5kg, giá 75 nghìn đồng. Ở đây vịt bán “quạ”, chả cân kéo gì cho mất công”, anh Thắng cho hay.

600 con vịt cánh trắng của gia đình anh Thắng được tiêu thụ hết trong hai ngày 4-5/5 âm lịch
600 con vịt cánh trắng của gia đình anh Thắng được tiêu thụ hết trong hai ngày 4-5/5 âm lịch

Để phục vụ cho ngày Tết Đoan Ngọ, ông Hoàng Đức Liêm (xã Hưng Yên, Hưng Nguyên) cũng nuôi hơn 1.000 con vịt bầu. Bán tại các chợ quê, giá vịt bầu chỉ nhỉnh hơn vịt cánh trắng tầm 5-10 nghìn đồng/con. Ngoài việc đưa vịt đến cho con gái bán ở chợ Già (xã Hưng Tây), ông Liêm chở 3 rọ vịt khoảng 150 con vào thành phố Vinh bán.

“Đi xa một chút nhưng được giá hơn, có khi lên 90-100 nghìn đồng/con”, ông Liêm cho biết.

Vịt bầu nếu chở vào thành phố Vinh để bán có thể được giá hơn, từ 90-100 nghìn đồng/con
Vịt bầu nếu chở vào thành phố Vinh để bán có thể được giá hơn, từ 90-100 nghìn đồng/con

Đối với nhiều người dân Nghệ An thì vịt là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Loại thực phẩm này được quan niệm là mát, giải nhiệt, thích hợp với tiết trời nóng nực ở đây. Vịt có thể chế biến được nhiều món như luộc, quay, xáo măng hay đánh tiết canh.

Tuy nhiên, không giống như ngày diệt sâu bọ các tỉnh miền Bắc, ở một số vùng nông thôn của Nghệ An, ngày 5/5 âm lịch còn được xem là ngày con rể đi Tết nhà ngoại.

Người dân chọn những con vịt chắc thịt, nặng cân để đi Tết nhà ông bà ngoại
Người dân chọn những con vịt chắc thịt, nặng cân để đi Tết nhà ông bà ngoại

Mua cặp vịt giá 150 nghìn, anh Đặng Hòa cùng vợ con chở nhau về nhà ngoại cách khoảng 20 cây số. “Tôi không biết vì sao ngày này lại là Tết nhà ngoại nhưng khi đi làm rể đã được “truyền” lại như thế. Ngày này, mua cặp vịt, trăm lá bánh mướt (bánh cuốn) hay vài cân bún mang về nhà ngoại, ông bà, con cháu quây quần ăn với nhau bữa cơm thôi”.

Về nguồn gốc ngày Tết đằng ngoại, ông Hoàng Nghĩa Liễu (xã Hưng Long, Hưng Nguyên) kể rằng, trước đây, với quan niệm trọng nam khinh nữ, con gái đi lấy chồng coi như mất. Về nhà chồng, lo công việc nhà chồng, lễ Tết bên ấy nên mùng 5/5 âm lịch là ngày để con rể trả ơn bố mẹ vợ.

Mặc dù giá thịt lợn rẻ nhưng giá vịt thịt không tăng nhiều so với năm ngoái, vịt trắng giá 75-80 nghìn/1 con khoảng 2,5 kg, vịt bầu có giá cao hơn, khoảng 80-90 nghìn
Mặc dù giá thịt lợn rẻ nhưng giá vịt thịt không tăng nhiều so với năm ngoái, vịt trắng giá 75-80 nghìn/1 con khoảng 2,5 kg, vịt bầu có giá cao hơn, khoảng 80-90 nghìn

“Gọi là Tết nhà ngoại nhưng không câu nệ lễ tiết, quý hồ con gái, con rể ở xa về, làm bữa cơm ăn với bố mẹ. Còn vì sao chọn ngày 5/5 âm lịch để đi Tết thì tôi cũng không rõ. Có lẽ là thời điểm này thu hoạch mùa màng đã xong, công việc nhà nông cũng rảnh rang hơn”, ông Liễu nói.

Quan niệm đi Tết nhà ngoại vào ngày 5/5 hiện nay chủ yếu duy trì ở khu vực nông thôn hoặc với những nhà có con gái lấy chồng gần. Còn đối với hầu hết người dân Nghệ An, đây là dịp để anh em, bạn bè gặp gỡ, giao lưu với nhau. Trong các bữa cơm ấy, tất nhiên không thể thiếu các món ăn được chế biến từ thịt vịt.

Hoàng Lam