Tết Đinh Dậu nói chuyện Gà trong đời sống người dân Nam bộ

(Dân trí) - Không biết tự bao giờ, con gà trong tâm thức người Việt luôn biểu trưng cho sự đầm ấm, không gian sum họp của gia đình, thể hiện khát vọng về cuộc sống no đủ, sung túc. Hình ảnh "gia đình gà" trong những dòng tranh dân gian nói lên điều đó.

Với người Nam bộ, gà là con vật gần gũi, gắn liền với đời sống sinh hoạt xưa và nay. Bên tách trà đầu xuân, cùng tản mạn chuyện gà của người Nam bộ để thấy tâm hồn thơ thới của người dân xứ này.

Hình ảnh con gà thân thiết trong dòng tranh dân gian Việt Nam. Ảnh: DK
Hình ảnh con gà thân thiết trong dòng tranh dân gian Việt Nam. Ảnh: DK

Nông dân Nam bộ rất nhiều nhà nuôi gà. Nhà ít vài ba con, gọi là "để lượm cơm đổ"; nhà nhiều vài chục con để bán "kiếm tiền lặt vặt được". Vậy rồi, con gà cục tác sau hè, gáy vang dưới mé rạch luôn mang đến cho người Nam bộ bao sự xao xuyến khôn nguôi, mỗi khi xa vắng.

Hồi nhỏ, tôi học giỏi văn, dở toán và viết chữ xấu hì. Mỗi bận chong đèn dầu ngồi học, má thường ngồi vá đồ kế bên, rồi chỉ dạy tôi học. Tôi viết chữ ẩu, má rầy: "Cái thằng, chữ viết như gà bươi". Những ai có ở miền quê, thấy cảnh gà bới tìm trong rác kiếm thức ăn mới biết chữ tôi xấu cỡ nào.

Vậy rồi những bài toán cộng, toán trừ tính hoài không ra, tôi "cho đại" một con số. Má đùa: "Kỹ nghen, Út. Bút sa gà chết nghen con". Con gà theo tôi trong từng lời ăn tiếng nói của má. Bà má quê rặt ri Nam bộ. 5 anh em tôi, mỗi đứa cách nhau 1-2 tuổi. Thời nghèo đói thương nhau không hết nhưng lắm khi lại tranh giành trái mù u, tàu cau làm đồ chơi. Những lúc vậy má rầy: "Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Và bây giờ, hơn 30 năm trôi qua, mỗi khi anh em về thăm má, má vẫn y lời dạy đó, rằng anh em phải thương nhau.

Ở miền Tây, gà Cao Lãnh (Đồng Tháp) và gà Tân Châu (An Giang) được xem là hai giống gà quý, tướng mạo đẹp, phương phi và khả năng đá (chọi) can trường. Dân gian ví von:

"Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh

Gái nào bảnh (xinh) bằng gái Nha Mân"

Đá gà ở miền Nam là trò chơi dân gian vui vẻ (dù bây giờ đôi khi bị lạm dụng sát phạt bằng tiền). Học giả Vương Hồng Sển gọi đó là thú phong lưu. Con gà thật ngộ, đá nhau tối mặt tối mũi nhưng hễ được phun nước hay phun rượu là lại "phong độ", gọi là "tỉnh gà". Có lẽ vì vậy chăng, mà dân gian đúc kết:

"Gà già khéo ướp lại tơ

Nạ dòng trang điểm, gái tơ mất chồng"

Ở chừng mực nào đó, con gà cũng được dân gian mượn để nói lên những thói đời, nếp sống chưa tốt đẹp. Những người có tính khoe khoang, chưa làm chuyện tốt thiên hạ đã biết hết thì được nói là "Gà đẻ gà cục tác". Những người thối chí, ngại thử thách, chỉ quanh quẩn những chốn an toàn thì là "Gà què ăn quẩn cối xay".

Những người cùng chung chí hướng, tình cảm lại bất hòa mâu thuẫn với nhau thì thật là "Gà nhà bôi mặt đá nhau". "Con gà tức nhau tiếng gáy" chỉ những người sân si, không chịu thua ai, xuất phát từ đặc tính mỗi buổi sáng, con gà này cất tiếng gáy thì y như rằng, con gà khác gáy theo, cứ thế vang mãi. Còn biết bao câu ca dao, tục ngữ hay về con gà, thể hiện sự "ưu ái" của dân gian với loài vật bình dân này.

Dĩa con gà- sản phẩm đặc trưng lâu đời của gốm Lái Thiêu ở Nam bộ. Ảnh: DK
Dĩa con gà- sản phẩm đặc trưng lâu đời của gốm Lái Thiêu ở Nam bộ. Ảnh: DK

Ngày Tết, nhất là Tết năm Gà, hẳn sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến tục cúng gà mùng Ba. Đó dường như là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tinh thần người Nam bộ mỗi dịp Tết. Với người Việt, gà trống như cầu nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh, là con vật được chọn để dâng cúng thần linh, tổ tiên mỗi dịp lễ Tết. Con gà như biểu tượng văn hoá đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nghề nông, dần thành phong tục của mọi gia đình Việt Nam khi Tết đến, xuân về.

Gà cúng mùng Ba có ý nghĩa khai trương, bắt đầu một năm mới, sẵn sàng cho công việc với nguyện ước hanh thông, suôn sẻ. Gà cúng là gà trống choai, khỏe mạnh, to lớn và mào gà phải đỏ tươi, lớn; chân gà vàng ươm và tốt nhất là chưa "đạp mái". Gà cúng được luộc không chặt mà để nguyên "chéo cánh" theo kiểu hai cánh gà bắt chéo qua nhau, rồi cho miệng gà ngậm phần cuối cánh gà. Điều mà nhiều người tâm niệm khi cúng gà là xem giò gà:

"Đầu năm ra mắt mùng ba

Cúng ông Hành Khiển cùng là Hành Binh

Bói giò phải bói cho tinh

Xem tường màu sắc chân hình rủi may"

Giò gà vảy đều, bự, thẳng tắp được xem là điều may mắn. Việc làm này có thể xem là ước nguyện tốt đẹp bởi vảy gà dù mỗi con mỗi khác nhưng đều khá đều và ngày Tết, ai lại nhìn ra vảy gà nhà mình "xấu" mà không phải "tốt". Vậy nên, ai cũng khoe với nhau trong ngày mùng Ba, chân gà nhà tôi năm nay "bá phát". Cặp chân gà xem xong được người Nam bộ treo chính giữa cửa nhà để cầu mong một năm làm ăn phát đạt, tấn tới.

Lan Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm