Tết cuối ở làng hoa Mỹ Bình trước khi nhường đất xây khu đô thị

Đức An

(Dân trí) - Với người dân làng hoa Mỹ Bình (Ninh Thuận), vụ Tết năm nay rất đặc biệt. Đó là mùa hoa đúng dịp Covid-19 hoành hành, mùa hoa cuối cùng trước khi làng "đóng cửa".

Những ngày cuối tháng Chạp, làng hoa có truyền thống gần 20 năm ở phường Mỹ Bình (TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) nhộn nhịp khách sỉ đến lấy hàng về bán.

Năm nay, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều nơi nhưng nhu cầu mua hoa chưng tết vẫn cao, nhiều vùng hoa không sản xuất nên nguồn cung ít, giá hoa tăng cao so với dịp tết năm ngoái.

Ở làng hoa Mỹ Bình, năm nay thời tiết thuận lợi, nắng nhiều, gió vừa phải, những bông hoa nở đúng thời điểm nên sắc hoa đẹp.

Tết cuối ở làng hoa Mỹ Bình trước khi nhường đất xây khu đô thị - 1

Năm nay, làng hoa Mỹ Bình vừa được mùa, vừa được giá.

Tết cuối ở làng hoa Mỹ Bình trước khi nhường đất xây khu đô thị - 2

Hoa ở đây chủ yếu là hoa cúc và vạn thọ, người dân thường mua để chưng bàn thờ và trang trí cửa nhà dịp Tết.

Thế nhưng, bên cạnh niềm vui "được mùa, được giá", bà con trồng hoa nơi đây lại bùi ngùi vì đây là mùa hoa tết cuối cùng của làng Mỹ Bình.

Sau vụ hoa này, làng hoa Mỹ Bình sẽ chính thức "xóa sổ" để nhường diện tích đất này xây dựng khu đô thị mới, một khu dân cư khang trang của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Hiện khu làng hoa đã giải tỏa nhiều khu vực để thực hiện dự án, chỉ còn một số khu chưa xây dựng được người dân tận dụng để trồng vụ hoa Tết cuối cùng này.

Tết cuối ở làng hoa Mỹ Bình trước khi nhường đất xây khu đô thị - 3

Làng hoa được giải tỏa để xây dựng khu đô thị mới.

Bà Nguyễn Thị Gái (đã có hơn 15 năm trồng hoa cúc tại làng hoa) tâm sự: "Năm sau không được trồng hoa nữa nên buồn và tiếc nuối lắm. Gia đình tôi đã gắn bó hơn 15 năm với nghề trồng hoa, mến tay mến chân với miếng đất, với cây hoa rồi…".

Cũng nhờ những luống hoa này mà bà Gái có thể chăm lo cho người chồng bệnh tật suốt 14 năm dài (nay ông đã mất) và nuôi được 4 đứa con ăn học nên người, 3 người tốt nghiệp đại học, một học cao đẳng.

Bà Gái cho hay: "Gia đình tôi mà không nhờ những cây hoa cúc này thì không biết có được như ngày hôm nay không".

Cùng tâm trạng như bà Gái, ông Bùi Đạo Đức bùi ngùi: Nhà trồng hoa cúc gần 15 năm nay, gia đình có của ăn của để cũng nhờ những cây hoa cúc này. Với  3 sào trồng hoa cúc, sau khi trừ hết chi phí cây giống, phân thuốc và nhân công, gia đình ông lời hơn 20 triệu đồng mỗi tháng. Đó là khoản thu nhập chính nuôi sống gia đình ông Đức gần 15 năm nay.

Tết cuối ở làng hoa Mỹ Bình trước khi nhường đất xây khu đô thị - 4

Nhờ nghề trồng hoa, bà Gái lo được cho chồng bệnh tật và nuôi 4 đứa con ăn học nên người.

Tết cuối ở làng hoa Mỹ Bình trước khi nhường đất xây khu đô thị - 5

Gia đình ông Đức có của ăn của để cũng nhờ những cánh đồng hoa cúc này.

Tuy nhiên, đất làng hoa nằm ngay trung tâm thành phố, thu hồi để xây dựng đô thị mới là chính sách phát triển lâu dài của cả tỉnh nên bà con nơi đây đều chấp hành tốt việc giao đất, nhận bồi thường để bố trí cuộc sống mới.

Bà Gái cho biết đã mua 3 sào đất ở Nam Cương (xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) để tiếp tục nghề này vì cả đời làm nông, không biết làm nghề gì khác.

"Nhà tôi vẫn giữ cái nghề truyền thống này, chỉ là trồng trên vùng đất khác" - bà cho hay.

Tuy nhiên, không phải hộ gia đình nào cũng tìm đất mới để tiếp tục nghề cũ, có những nhà rẽ sang hướng khác.

Ông Bùi Đạo Đức cho biết: "Cha tôi bỏ nghề trồng hoa, chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng. Còn tôi mua chiếc xe ben làm nghề tài xế".

Tết cuối ở làng hoa Mỹ Bình trước khi nhường đất xây khu đô thị - 6

Mến đất, yêu nghề trồng hoa nên bà Gái mua đất nơi khác để tiếp tục theo nghề, chỉ buồn là không còn làng hoa như ở Mỹ Bình.

Nhưng dù rời bỏ Mỹ Bình đi mưu sinh nơi đâu, người làng hoa vẫn nhớ đến cái tên thân quen với người dân Ninh Thuận suốt 20 năm qua.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm