Đắk Nông:

Tết chông chênh giữa lòng hồ thủy điện

(Dân trí) - Nằm lọt thỏm giữa lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông), làng chài nghèo nhiều năm nay chưa biết đến cây mai, bánh tét, pháo hoa. Không khí ngày Tết càng đìu hiu, ảm đạm vì ngôi làng chỉ còn vài gia đình cố bám trụ do không đủ tiền về quê.

Kể từ khi thủy điện Đồng Nai 3 đi vào hoạt động, người dân từ khắp nơi trôi dạt về đây mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá rồi hình thành nên làng chài này. Cuộc sống nay đây mai đó khiến cuộc đời của họ luôn dập dềnh theo con sóng, không biết bao giờ mới được neo đậu bến bờ. Những ngày Tết, tạm gác bao lo toan của cuộc sống, họ tự thưởng cho mình những phút giây thảnh thơi, uống với nhau chén rượu nhạt, động viên nhau vượt lên sóng gió, hiểm nguy.

Cả năm nặng gánh mưu sinh…

Cả làng chài hiện nay khoảng 20 hộ, trôi dạt từ Đồng bằng sông Cửu Long hoặc Campuchia đến đây sinh sống từ năm 2010, khi thủy điện Đồng Nai 3 tích nước, sản xuất điện. Ngày trước làng chài có gần 50 nóc nhà, nhưng bây giờ tôm cá khan hiếm, hơn một nửa trong số đó phải rời đi chỗ khác hoặc lên bờ sống.


Sát đêm giao thừa nhưng không khí Tết vẫn chưa về với làng chài nghèo

Sát đêm giao thừa nhưng không khí Tết vẫn chưa về với làng chài nghèo

Mỗi gia đình sinh sống trên một chiếc bè được làm bằng gỗ, ván và cây rừng ghép lại đặt trên những chiếc phao bằng thùng phuy hoặc can nhựa lớn để nổi trên mặt nước. Mùa khô, gió thổi lồng lộng, tiếng mái nhà làm bằng bạt kêu phần phật mỗi khi có cơn gió lùa vào. Giữa biển nước mênh mông, xung quanh chỉ toàn núi rừng, làng chài nhỏ càng trở lên hắt hiu, cô quạnh.

Trước đêm giao thừa, không khí Tết vẫn chưa đến với cuộc sống của bà con làng chài này. Những đứa trẻ vẫn hồn nhiên nô đùa trên chiếc thuyền chật hẹp, trong khi người lớn vẫn tranh thủ đi thả lưới, thả câu, với mong muốn kiếm thêm một vài đồng mua gạo, bánh.

Trong lúc chồng đang chợp mắt sau đêm dài thức trắng đánh cá, chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1984) tranh thủ vá lại tấm lưới cũ, mong sao tối nay tấm lưới này sẽ mang đến cho gia đình chị một bữa cơm tất niên sung túc. Những ngón tay thâm đen do liên tục cào bùn đất mò ốc, chị Huệ tâm sự, chị quê tận Quảng Bình, theo chân bố mẹ vào Định Quán (Đồng Nai) rồi lấy chồng, sinh con. Cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng phải bồng bế con trôi dạt về lòng hồ thủy điện này.

Những đứa trẻ vẫn hồn nhiên nô đùa trên chiếc thuyền chật hẹp mà không hề đòi hỏi quần áo mới
Những đứa trẻ vẫn hồn nhiên nô đùa trên chiếc thuyền chật hẹp mà không hề đòi hỏi quần áo mới

Công việc đánh bắt, chế biến cá tôm chỉ đủ “ăn bữa nay”, không lo nổi tiền tàu xe, quà cáp nên hai vợ chồng buộc lòng phải ăn Tết trên mặt hồ này. Nhìn đám con hồn nhiên nô đùa khi vẫn chưa sắm cho chúng bộ đồ mới, người mẹ nghèo ứa nước mắt: “Khổ lắm chú ơi! Cha mạ (mẹ) nghèo nên con cái cũng vạ lây, vất vả mưu sinh cả năm nhưng phải chờ hết đêm ni, xem cá mú ra răng (như thế nào) mới dám mua cho các cháu bộ đồ”.

Đêm qua anh Nguyễn Văn Lai (SN 1989) may mắn đánh được mẻ cá lớn, sáng sớm nay chạy ra chợ bán được vài trăm ngàn. Ngày Tết, anh cho phép mình “hoang phí” mua cho đứa con trai một bộ quần áo và đôi giày mới, rồi lại mua thêm ít rau, thịt về làm tất niên. Vừa đặt chân lên chiếc bè, anh buông thõng chiếc giỏ cá, buồn bã thông báo với vợ: “Bà Tám nói chỉ thu mua cá, tôm hết hôm nay. Sáng mai nhà bà ấy về quê, ra Tết khoảng ngày 10 mới thu mua lại. Em mang số cá còn lại đi mà phơi khô để ra năm ăn.”

Chị Miên Thị Mới (vợ anh Nam) nghe chồng nói vậy, bèn trao đứa con đang bế trên tay cho chồng giữ rồi lật đật đi làm cá. Bé Heo, con trai anh Lai dường như quá nhỏ để hiểu được nỗi lo của bố mẹ nên vẫn hồn nhiên, đùa nghịch. Được bố mua cho quần áo mới, cậu bé ba tuổi vui mừng, hạnh phúc nhẩy cẫng lên rồi lon ton đứng bên cửa, hớn hở khoe với bà nội đang ở căn nhà bên cạnh.

… chỉ mong Tết yên bình!

Cả nhà anh Lai 3 thế hệ đều chọn lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 làm nơi cư ngụ. Anh kể, quê mình ở Tây Ninh, nhưng được sinh ra tận bên Campuchia rồi từ bên đó về hẳn đây sinh sống. Những năm trước, cá sông còn lạ lẫm nên người dân ăn cả trong những ngày Tết, nhưng một năm, hai năm còn làm ăn được, sang đến năm thứ ba người ta chán cá, chuyển sang ăn đồ khác nên ngày Tết cả làng chài chỉ ngồi chơi không. Nhưng vì “vợ chồng gắn bó với nghề này để sống qua ngày chứ không biết làm gì hơn” nên anh Lai dự định tối nay vẫn tiếp tục mưu sinh trên mặt nước.


Ngày Tết, anh Lai chỉ mong muốn trời đất yên bình để tiếp tục mưu sinh trên lòng hồ

Ngày Tết, anh Lai chỉ mong muốn trời đất yên bình để tiếp tục mưu sinh trên lòng hồ

Đưa đôi mắt nhìn xa xăm về phía lòng hồ, người đàn ông này tâm sự: “Nước ở đây rất trong, ban ngày cá lặn xuống sâu để kiếm ăn, phải chờ buổi đêm mới dụ được cá. Mùa này cá ít vào bờ, mấy hôm nay gió thổi ầm ầm nhưng ai cũng phải mạo hiểm ra giữa lòng hồ để bắt cá, nếu không đi thả lưới thì không có tiền đổi gạo”.

Khi được hỏi về ước mong ngày Tết, người đàn ông có khuôn mặt lam lũ, sương gió này chỉ cười xòa, xoa nhẹ mái tóc: “Chúng tôi quen sống lênh đênh trên mặt hồ, lại không họ hàng thân thích nên cũng chẳng mong ngóng Tết làm gì. Sang năm mới chỉ mong cho trời yên bể lặng, mưa thuận gió hòa để công việc làm ăn thuận lợi, cá tôm bắt được bao nhiêu có người mua hết”.

Trái với lo toan, nặng gánh mưu sinh ngày Tết của anh Lai, chú Niêng Xuân Sơn (SN 1971) dường như thảnh thơi hơn vào những ngày Tết. Người đàn ông góa vợ này bộc bạch: “Sống một mình nên không phải sắm sửa gì nhiều, mua mấy thùng bia về mời chòm xóm đến ăn bữa cơm là vui vẻ lắm rồi. Thời gian rảnh thì tôi sang nhà chú em chơi đánh cờ, khi nào bà con đi làm lại thì mình đi. Ngày Tết chỉ mong cuộc sống ở đây mãi yên bình như vậy”.

Còn riêng đối với những đứa trẻ ở làng chài này, có lẽ trong chúng chưa hề biết đến ý niệm bánh chưng, bánh tét, pháp hoa… nên chẳng đòi hỏi bố mẹ. Với chúng, mong ước nhỏ nhoi là được ăn thịt heo, thịt gà thay vì cá, tôm như hàng ngày.


Ngày Tết là thời gian rảnh rỗi, thảnh thơi nhất của chú Sơn (áo khoác xám)

Ngày Tết là thời gian rảnh rỗi, thảnh thơi nhất của chú Sơn (áo khoác xám)

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Minh Tùng, Chủ tịch UBND xã Đắk Som (huyện Đắk G’Long) cho biết, hiện nay lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 là nơi sinh sống của hơn 20 hộ dân. Những hộ này từ nhiều tỉnh khác đến đây làm nhà, khai thác thủy sản từ ngày thủy điện đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay họ mới chỉ đăng ký tạm trù tại địa phương chứ chưa có hộ khẩu thường trú.

“Do chỉ tạm trú tại địa phương nên những hộ này không được hưởng chính sách hộ nghèo hay hoàn cảnh khó khăn, xã cũng không thể tặng quà Tết cho họ”, một cán bộ xã Đắk Som cho biết.

Dương Phong